Kể từ khi thành lập ngày 8/8/1967, ASEAN đã chuyển đổi từ một nhóm 5 quốc gia Đông Nam Á thành một tổ chức mạnh mẽ, hướng tới tương lai, thúc đẩy hợp tác, hòa bình và an ninh trong khu vực. Ngày nay, 10 nước thành viên đạt tổng GDP khoảng 2,5 nghìn tỷ USD, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và lớn thứ 7 trên thế giới. Với các nền kinh tế mạnh mẽ và tự cường, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế thứ 4 thế giới vào năm 2020. Các cuộc gặp ASEAN- AIPA được tổ chức thường niên tại kỳ họp cấp cao ASEAN kể từ năm 2009 thể hiện mong muốn tăng cường kết nối giữa cơ quan hành pháp và lập pháp. AIPA đã có những đóng góp cụ thể vào các công việc của ASEAN thông qua việc phê chuẩn và triển khai các thỏa thuận của ASEAN về các vấn đề khu vực.
Chiều ngày 29/4, tại cuộc gặp giữa Lãnh đạo ASEAN và đại diện AIPA cùng sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Thư ký AIPA, sau phát biểu khai mạc của Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte, Chủ tịch Cấp cao ASEAN-30, ngài Pantaleon D. Alvarez, Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Hạ viện Philippines đã trình bày thông điệp AIPA. Thông điệp nhấn mạnh AIPA ủng hộ việc hiện thực Cộng đồng ASEAN 2025 thông qua tăng cường hài hòa hóa khuôn khổ pháp lý của các quốc gia thành viên, xây dựng các tiêu chuẩn chung thông qua việc ban hành luật pháp trong nước phù hợp với các thỏa thuận và cam kết của ASEAN. AIPA tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với Kế hoạch tổng thể Cộng đồng an ninh-chính trị ASEAN và tăng cường vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong cam kết với các đối tác đối thoại.
Thông điệp của AIPA điểm lại Tuyên bố chung của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức tại Viêng-chăn, Lào vào tháng 7 năm ngoái đã khẳng định lại cam kết của tất các các bên đối với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Quy tắc ứng xử, tự do hàng hải ở trong và ngoài khơi khu vực Biển Đông. AIPA nhấn mạnh việc duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình, thịnh vượng và hợp tác; ủng hộ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình và thực hiện tự kiềm chế phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Luật biển 1982 (UNCLOS). AIPA kêu gọi ASEAN đảm bảo thực hiện các cam kết, bao gồm hoàn thiện khung bộ Quy tắc ứng xử vào giữa năm 2017.
Thông điệp AIPA đánh giá cao những tiến bộ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đang đưa khu vực trở thành một thị trường rộng mở hơn. AIPA kêu gọi ASEAN thúc đẩy tiến trình hội nhập thị trường đơn nhất, thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của khu vực tư nhân nhằm đáp ứng yêu cầu tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng theo Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025; khuyến khích AIPA và ASEAN hợp tác thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, từng bước đưa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các đại biểu tham dự Hội nghị
Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN tập trung vào việc hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực cần được tăng cường để thúc đẩy việc tiếp cận với phát triển kĩ năng và học tập suốt đời, đưa người dân về vị trí trung tâm trong việc xây dựng cộng đồng, đưa con người vào những nỗ lực hội nhập khu vực. AIPA kêu gọi các nước thành viên ASEAN tích cực triển khai thực hiện những nội dung trong Chương trình nghị sự 2030 vì các mục tiêu phát triển bền vững; đề nghị ASEAN tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh nguồn nước vì lợi ích của người dân và phát triển bền vững trong khu vực.
Mặc dù đạt được tiến bộ ở nhiều mặt, ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trước sự thay đổi khó lường của bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Do đó, để ứng phó với những thách thức đang nổi lên, AIPA cam kết tiếp tục tăng cường mối quan hệ ASEAN - AIPA ở tất cả các cấp độ hợp tác.
Cũng tại Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh AIPA đóng vai trò không thể thiếu đối với tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN; cho rằng ASEAN và AIPA cần tăng cường cơ chế trao đổi thường xuyên trong việc rà soát, bổ sung và điều chỉnh nội luật cũng như các quy trình thủ tục pháp lý của từng quốc gia để phù hợp với các tiêu chuẩn chung trong ASEAN, đề nghị AIPA hỗ trợ đẩy nhanh thông qua các văn kiện pháp lý và thỏa thuận của ASEAN. Nhân kỉ niệm 50 năm thành lập, ASEAN hi vọng AIPA tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về ASEAN, khuyến khích sự tham gia của các cấp, các ngành vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia cùng Đoàn đại biểu nghị viện thành viên AIPA được nước chủ nhà đón tiếp chu đáo, trọng thị. Đại sứ Lý Quốc Tuấn, Phó Đại sứ Lê Thị Thu Thủy đã tham gia các hoạt động của đoàn trong thời gian hội nghị. Đoàn đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines. Gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Phó Chủ tịch biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Đại sứ quán trong việc phục vụ các hoạt động của Phái đoàn cấp cao của Nhà nước sang dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines.
Các hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Cuộc gặp cấp cao ASEAN-AIPA, hướng tới một ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.