Cùng dự buổi gặp mặt có Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Trung tướng Phạm Xuân Tuệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2; Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2; Trung tướng Nguyễn Đức Thận, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 cùng 47 đồng chí nguyên là Chính ủy, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Anh hùng lực lượng vũ trang và cán bộ thuộc Quân đoàn 2 các thời kỳ.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt Ban Liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Quân đoàn 2 Ảnh: Đình Nam
Quân đoàn 2 hay còn gọi là “Binh đoàn Hương Giang” là một trong 4 Quân đoàn chủ lực của Bộ Quốc phòng ra đời ngày 17/5/1974 tại Chiến khu Ba Lòng, tình Quảng Trị- trên mảnh đất Bình Trị Thiên anh hùng, kiên cường, bất khuất. Trải qua 43 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, dưới sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, Quân đoàn đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc trong chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ Quốc tế.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 2 đã tổ chức đội hình chiến đấu có lực lượng đột kích mạnh gồm xe tăng, pháo binh, pháo phòng không và bộ binh, cùng với quân và dân vùng Đông và Đông Nam Sài Gòn tiến công dũng mãnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch phòng ngự trên hướng này, nhanh chóng đưa lực lượng thọc sâu đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, Dinh Độc lập, Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn bắt Tổng thống và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn; góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Quân đoàn 2 tiếp tục nhận và hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt trước yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Quân đoàn đã thực hiện xuất sắc cuộc hành quân thần tốc từ miền Trung vào mặt trận, phối hợp cùng với các đơn vị bạn, Quân đoàn 2 đã liên tục phản công, tiến công địch, góp phần xứng đáng vào chiến công oanh liệt, đánh bại cuộc tiến công xâm lược của địch ở biên giới Tây Nam và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả; giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, giúp Đảng nhân dân cách mạng Campuchia củng cố chính quyền cách mạng cơ sở.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đoàn thường xuyên huấn luyện, tổ chức các cuộc diễn tập nghiên cứu, thực nghiệm, kiểm tra với quy mô lớn để từng bước hoàn chỉnh các phương án, hình thức tác chiến mới phù hợp với chiến lược quốc phòng - an ninh của Đảng trong thời kỳ mới; đồng thời nỗ lực xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng với truyền thống “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” trong chiến đấu; “chủ động, tích cực, sáng tạo” trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại, thực sự là “quả đấm thép” chủ lực của Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương, đánh giá cao những chiến công, thành tích, truyền thống và bề dày lịch sử hào hùng, vẻ vang của Quân đoàn 2 trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như những đóng góp trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội ngày nay.
Với những thành tích vẻ vang trong chiến đấu, Quân đoàn 2 vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều cá nhân, tập thể trong Quân đoàn vinh dự được phong tặng/truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cùng nhiều phần thưởng, huân, huy chương cao quý khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đánh giá cao và luôn ghi nhớ công ơn, sự hi sinh to lớn của các đồng chí Quân đoàn 2, những người lính anh hùng trong quá khứ và trong hiện tại; không bao giờ quên ơn hơn 12 nghìn cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn đã ngã xuống để giành lấy chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng các chính sách, pháp luật để đền ơn, đáp nghĩa là việc làm rất cần thiết. Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn luôn xác định việc chăm lo đời sống, chính sách cho các cựu chiến binh nói riêng và cho người có công với cách mạng nói chung là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà còn của toàn thể nhân dân, toàn xã hội. Với chức năng, nhiệm vụ và sự tin cậy của nhân dân, Quốc hội sẽ tiếp tục xây dựng, sửa đổi, ban hành và giám sát nhiều chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng trong thời gian tới.
Đồng thời, ghi nhận những ý kiến phát biểu trong Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn các cựu chiến binh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của “Binh đoàn Hương Giang”, “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” trong chiến đấu, “chủ động, tích cực, sáng tạo” trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại; phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước; luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo.