Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ

18/03/2017

Ngày 18/3, tại Quảng Ninh, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với chủ đề: Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, một số bộ, ngành trung ương; Thường trực, các ban của Hội đồng nhân dân (HĐND) 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ.

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016- 2021

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định, Hội nghị thường niên của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ là một diễn đàn đã phát huy hiệu quả và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Đây cũng là hoạt động nhận được sự quan tâm sâu sắc từ  lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, góp phần thúc đẩy và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ liên kết giữa các địa phương trong vùng. Bí thư Tỉnh ủy cung nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, để HĐND thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và mở rộng, phát huy dân chủ, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân là vấn đề cấp bách và lâu dài, trong đó “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND  năm 2015” là một trong những giải pháp quan trọng để HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Quốc An khẳng định hiệu quả của việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Theo đó, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức, triển khai các hoạt động giám sát một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; hình thức giám sát, phương thức tổ chức giám sát được đổi mới, tăng cường các hoạt động khảo sát trước giám sát, kết hợp giám sát báo cáo và giám sát trực tiếp tại cơ sở, ghi âm ghi hình tạo sự sinh động và có tính thuyết phục cao. Từ đó giúp cho HĐND quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi tích của nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều ý kiến đề nghị hướng dẫn làm rõ thêm một số vấn đề như: việc giám sát của Tổ đại biểu HĐND, hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND; trình tự, thủ tục chi tiết trong tổ chức thực hiện giám sát; yêu cầu đối với các văn bản có liên quan; yêu cầu về nhân sự, công tác bảo đảm để triển khai hoạt động giám sát; tiêu chí để đánh giá, lựa chọn những vấn đề có liên quan; trách nhiệm tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan...Do vậy, Hội nghị là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm cũng như nêu lên những khó khăn phát sinh từ thực tiễn thực hiện Luật để Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất của các địa phương để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nói chung, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nói riêng giúp cho hoạt động của HĐND các cấp ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích, chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Từ khâu phân công, điều hòa giám sát, lựa chọn nội dung, thu thập thông tin, cho đến việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát...Cùng với đó, các đại biểu cũng nêu nên những khó khăn, vướng mắc, đề xuất nhiều biện pháp tháo gỡ và kiến nghị Trung ương sớm thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 còn có những nội dung chưa được hướng dẫn để thống nhất trong thực hiện như cách thức, quy trình, hình thức kết luận tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND vì vậy mỗi địa phương có cách làm khác nhau, cần sớm có hướng dẫn cụ thể. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp chế tài đối với các cơ quan chấp hành, cơ quan, đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn, để làm tăng hiệu lực, hiệu quả giám sát và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 48/2016/NĐ-CP để sắp xếp cơ cấu tổ chức, cán bộ của Văn phòng HĐND cấp tỉnh tương xứng với vai trò, trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị                        Ảnh: Lê Tùng

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả các địa phương đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, các nội dung quan trọng, các phương thức giám sát hiệu quả đã được HĐND các tỉnh, thành phố nghiên cứu lựa chọn áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát của HĐND trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong Khu vực cần nâng cao chất lượng nghị quyết chương trình giám sát của HĐND; tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; Đề cao vai trò giám sát tại kỳ họp HĐND; bám sát và thực hiện hiệu quả hơn nữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt đối với những nội dung hoạt động theo quy định mới; tiếp tục duy trì định kỳ tổ chức hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực để tạo sự gắn kết chặt chẽ, tạo không gian để học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong hoạt động của HĐND từng địa phương.

+ Tại Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chuyển giao việc đăng cai tổ chức Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 3 cho Thường trực HĐND TP. Hà Nội.

+ Ngay sau Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các đại biểu đã đi thị sát Cảng Hàng không Vân Đồn và Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Theo ĐBND