Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; báo cáo tóm tắt thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016- 2020; báo cáo tóm tắt về thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhận định, năm 2016, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn khi các nền kinh tế lớn chưa thoát khỏi bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm; kinh tế, xã hội và môi trường trong nước gặp phải những khó khăn, thách thức lớn nhưng nhìn tổng thể tình hình năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định.
Đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016. Một số ý kiến cho rằng, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá các báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra được chuẩn bị công phu; nghiêm túc nhìn nhận tình hình; đánh giá toàn diện những mặt đạt được, những hạn chế tồn tại và đề ra nhiều giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu đề nghị, trong kế hoạch năm 2017, Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào những vấn đề mà trong triển khai thực hiện thời gian qua vẫn còn những hạn chế như vấn đề về nợ công, nợ xấu, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tái cơ cấu nông nghiệp, phòng chống tham nhũng; tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công quyền...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến tính ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng tăng trưởng và công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt kiên quyết về vấn đề về môi trường khi thẩm định và triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, giàn trải gây thất thoát và lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình đề nghị cần phải có đánh giá toàn diện hơn nữa về đầu tư công, chỉ ra những mặt được, những hạn chế còn tồn tại, đề ra những giải pháp hiệu quả trong đầu tư công.
Liên quan đến vấn đề về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn ngân sách Nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Bảo đảm việc hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, cần quan tâm cơ cấu lại các khoản chi ngân sách Nhà nước, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm; rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết.
Phó Chủ tịch Quôc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, sau 1 ngày làm việc hết sức khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận rất nhiều nội dung liên quan đến báo cáo và tờ trình của Chính phủ.
Về tình hình kinh tế- xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát lại, đánh giá thêm tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm 2016, đặc biệt, cần đánh giá, tìm ra nguyên nhân mà các chỉ tiểu không đạt được, từ đó làm căn cứ để xác định nhiệm vụ năm 2017 cho chính xác.
Về kế hoạch tài chính 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chúng ta phải dựa trên Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 để làm rõ một số cơ cấu, như cơ cấu thu, trong đó thu nội địa, thu dầu khí, thu xuất, nhập khẩu thế nào và cơ cấu chi, lưu ý chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên và các khoản chi khác, bội chi, nợ Chính phủ. Về kế hoạch tài chính 3 năm, đề nghị Chính phủ trong báo cáo phải báo cáo Quốc hội xin phép năm 2017 do là năm đầu tiên để thực hiện Luật ngân sách mới, xin Quốc hội chưa áp dụng kế hoạch tài chính 3 năm. Đây là vấn đề hết sức đổi mới, tuy nhiên xin áp dụng vào từ năm 2018 trở đi, đồng thời Ủy ban Tài chính, Ngân sách phải thẩm định và đồng tình với quan điểm này.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải dựa trên kế hoạch tài chính báo cáo 5 năm, đồng thời làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí, trật tự ưu tiên đối với các nguồn vốn mà chúng ta sẽ sử dụng như là nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và các loại vốn khác, phải đảm bảo những tiêu chí và các nguyên tắc…
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhiệm kỳ 2016- 2019 và thông qua nghị quyết về nhân sự Ban Thư ký Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội./