Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình Ảnh: Đình Nam
Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm cụ thể hóa Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó tại Khoản 6 Điều này đã giao: “Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Hiện nay, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều ý kiến của các địa phương đề nghị cần xem xét, nghiên cứu quy định chế độ tiền công lao động trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân mà những đại biểu này không thuộc đối tượng hưởng lương; điều chỉnh tăng mức hoạt động phí (tăng hệ số hoạt động phí so với mức lương cơ sở) đối với đại biểu Hội đồng nhân dân; bổ sung quy định về chi hỗ trợ hoạt động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân…
Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 07 Điều trên cơ sở kế thừa các quy định về chế độ cung cấp báo cáo, tài liệu tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11; tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiền lương, hoạt động phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng, khen thưởng theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về phòng làm việc, máy móc, trang thiết bị văn phòng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; chi hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu.
Giữ nguyên mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra hai phương án. Theo đó, Phương án 1: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyếtsố 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Phương án 2: Tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho rằng, mức hoạt động phí hiện hành đối với đại biểu Hội đồng nhân dân còn thấp. Ngoài ra, do chế độ đã được ban hành hơn 10 năm nên mức hoạt động phí này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay, chưa thực sự khuyến khích đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động tích cực. Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách tán thành với phương án 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật tổ chức chính quyền địa phương đã trao cho Hội đồng nhân dân thêm nhiều nhiệm vụ quyền hạn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Do đó, nếu đã đổi mới về tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp mà những chế độ chính sách lại giữ như cũ thì khó đảm bảo được hoạt động của Hội đồng nhân dân. Vì vậy, cần quy định theo phương án 2 nhằm khuyến khích, động viên hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung cho rằng nếu tăng mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ tạo áp lực chi, gây thêm khó khăn cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, với mức tăng không đáng kể như hiện nay sẽ không giải quyết được những vấn đề tồn tại trong quy định về chế độ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngoài ra, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị dự thảo Nghị quyết cần được rà soát, quy định chi tiết về các điều kiện bảo đảm tạo thành chuẩn chung áp dụng trong cả nước, tránh dẫn chiếu tới quy định của các luật khác và ủy quyền quy định nhiều lần.
Đồng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng việc tăng mức hoạt động phí cần phải xem xét đến tính thống nhất, đồng bộ của toàn hệ thống, tránh phá vỡ tổng thể chính sách chung giữa cấp ủy với chính quyền, giữa các cơ quan nhà nước, xem xét đến nội dung chương trình cải cách tiền lương, tinh giản biên chế... trong thời gian tới. Vì vậy, trước mắt không nên quy định tăng mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong 10 năm qua tuy mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân không thay đổi nhưng mức hưởng không phải là không tăng do mức lương cơ bản đã được điều chỉnh tăng nhiều lần. Hơn nữa, hiện nay Nhà nước đang nghiên cứu thực hiện cải cách tổng thể tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức... Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận phương án 1 của Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan trong đề án tổng thể cải cách tiền lương nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Kết luật nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội và thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định mức tiền công lao động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách nhưng không khống chế thời gian tối đa mà tính theo thực tế hoạt động. Về mức hoạt động phí giữ mức như hiện hành nhằm không phá vỡ tổng quan chung và dự kiến xem xét lại vào năm 2017. Về điều kiện bảo đảm hoạt động cần được quy định cụ thể hơn. Một số nội dung giao Chính phủ hướng dẫn quy định thực hiện cho phù hợp với thực tiễn địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện thêm văn bản trước khi xin ý kiến bằng văn bản và trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.