Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội Ảnh: longan.gov.vn
Phát biểu tại Đại hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân Long An đã đạt được trong thời gian qua. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân Long An đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp; duy trì sự phát triển khá ổn định và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ, Long An vẫn còn một số hạn chế như: hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu; chưa khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương tiếp giáp thị trường rộng lớn là TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng, thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn lúng túng, thiếu đồng bộ; chưa tạo bước đột phá về công nghệ nhất là công nghệ sinh học, giống, cây, con, công nghệ tưới; giá trị tạo ra từ một đơn vị kinh tế còn thấp…
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, đại biểu đi sâu thảo luận về những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục một cách kiên quyết và hiệu quả nhất. Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Long An có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ từ TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại; có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh- trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu Ảnh: longan.gov.vn
Vì vậy, Long An có điều kiện tốt để phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, tạo điều kiện để phát triển bứt phá, trở thành một trong những tỉnh giàu, mạnh trong vùng. Tỉnh cần ưu tiên phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có lợi thế; công nghiệp chế biến sâu nông sản, thủy sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nhà ở, các công trình dịch vụ công cộng tiện ích phục vụ người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển gắn với đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển văn hóa- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, nội chính, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nhất là cơ sở; phải giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình...
Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh Long An đạt 11,3%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; GDP bình quân đầu người đạt 50,4 triệu đồng/người/năm; sản lượng lúa bình quân 2,75 triệu tấn/năm; công nghiệp-xây dựng chiếm 42,3%; thương mại-dịch vụ 31,5%...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X kết thúc vào ngày 16/10.