Hơn 700 đại biểu đến từ 85 quốc gia là những gương mặt thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có nhiều phụ nữ là các nhà khoa học, xã hội học, kinh tế học… tham dự diễn đàn.
Chủ đề của Diễn đàn là “Phụ nữ trong thế giới hiện đại: những triển vọng hợp tác mới” với nhiều nội dung cụ thể được thảo luận trong các phiên họp toàn thể và theo chuyên đề… theo đó, những vấn đề về phát triển bền vững, kinh tế thay đổi, chiến lược về sức khỏe… tác động đến phụ nữ và hành động của phụ nữ để khắc phục mọi khó khăn thách thức được trao đổi tại diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Thượng viện Liên bang Nga Valetina Matviyenko khẳng định, đây là một diễn đàn quan trọng để những vấn đề liên quan đến phụ nữ và phát triển sẽ được chia sẻ và nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn đây sẽ là một trong những diễn đàn uy tín thường xuyên cho các cuộc thảo luận, trao đổi giữa các nhà lãnh đạo nữ, các tổ chức hoạt động về nữ quyền trên khắp thế giới, cùng quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững, hợp tác quốc tế vì sự tiến bộ, nâng cao vai trò tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế, chính trị và hội nhập xã hội”.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Diễn đàn phụ nữ Á-Âu
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh sang kiến của Nghị viện Liên bang Nga tổ chức diễn đàn này và tán thành với các chủ đề thảo luận trong chương trình nghị sự của Diễn đàn cũng như bài phát biểu của Chủ tịch Valetina Matviyenko.
Nhấn mạnh về việc thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ và vì sự phát triển của phụ nữ ở Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới và hiện đang triển khai có hiệu quả các chương trình, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực tại các cơ chế của Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn quốc tế về phụ nữ; tham gia tích cực và các cơ chế hợp tác khu vực về thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, mạng lưới doanh nhân nữ… nhờ đó, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Nâng tỉ lệ lao động nữ trong tổng số lao động cả nước lên 48%, nâng tỉ lệ biết chữ cho phụ nữ lên tới 90%, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, tăng cường bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình; trong vai trò lãnh đạo và quản lý, tỷ lệ nữ trong các cơ quan Chính phủ được duy trì ổn định, 24,4% đại biểu Quốc hội là phụ nữ, ở các địa phương nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng; phụ nữ được bình đẳng trong ứng cử, đề cử, bầu cử, được vay vốn phát triển sản xuất...
Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, là quốc gia đang phát triển, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như định kiến về vai trò của phụ nữ, hạn chế về các nguồn lực, trình độ phát triển, chúng tôi nhận thức rằng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phụ nữ Việt Nam thực sự được hưởng quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống, phát huy vai trò trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Việt Nam sẵn sàng ủng hộ thúc đẩy liên kết, hợp tác phụ nữ trên phạm vi toàn cầu trong các lĩnh vực; chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các quốc gia để thực hiện tốt hơn nữa chính sách bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.
Cho rằng một xã hội hòa bình, thịnh vượng chỉ có thể đạt được khi chúng ta không chỉ ghi nhận vai trò của phụ nữ mà cần có kế hoạch, biện pháp đồng bộ thực hiện bình đẳng giới ở mọi cấp độ, ở mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội và các nghị sỹ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát thực thi và tạo điều kiện cho việc triển khai các chính sách, hoạt động thúc đẩy tiến bộ phụ nữ.
Các cơ quan lập pháp, hành pháp trên cả hai châu lục Á- Âu, trong nhiệm vụ quyền hạn của mình, thực hiện lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội; đưa các khuyến nghị đã nêu trong các văn kiện quốc tế vào chương trình xây dựng luật pháp, giám sát của mỗi nước cũng như thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về bình đẳng giới và Mục tiêu Phát triển bền vững sau 2015 vì sự phát triển bền vững của nhân loại;
Đảm bảo thực thi bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động, chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo; tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, các quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cùng xây dựng những chương trình, dự án nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục và đào tạo.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn đại biểu Việt Nam dự diễn đàn Ảnh: Ngọc Huy
Cũng trong ngày 24/9, ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu cùng nhau trao đổi về các chủ đề như: “Phụ nữ và chính quyền: chương trình phát triển thế giới bền vững”; “Phụ nữ trong nền kinh tế thay đổi: các khả năng và thách thức mới”; “Phụ nữ trong việc hình thành chiến lược sức khỏe con người toàn cầu”; “Phụ nữ trong sự phát triển hợp tác nhân đạo và hoạt động từ thiện”; “Phụ nữ trong truyền thông đại chúng”; “Đối thoại trong thế giới: hòa bình trên trái đất”…
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng có một số cuộc gặp song phương với chính quyền thành phố Saint Peterburg và trưởng đoàn một số nước tham dự Diễn đàn.