Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Phiên họp Ban Chấp hành AIPA
Tham dự Phiên họp có 10 Đoàn đại biểu Nghị viện các nước thành viên AIPA: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn làm Trưởng đoàn tham dự AIPA - 36.
Tại Phiên họp, Ban Chấp hành AIPA đã xem xét việc bổ nhiệm Thành viên Hạ viện Malaysia, Trưởng đoàn nghị sĩ Malaysia tham dự Đại hội đồng AIPA - 36 Datuk Seri Dr.Ronald Kiandee làm Phó chủ tịch Ban Chấp hành AIPA - 36; xem xét bổ nhiệm Tổng thư ký AIPA Periowsamy Otharam làm Thư ký Phiên họp Ban Chấp hành AIPA - 36. Ban Chấp hành AIPA cũng đã xem xét và thông qua Chương trình hoạt động và Chương trình nghị sự của AIPA - 36, trong đó có chủ đề các phiên họp của các ủy ban của AIPA và chủ đề Đối thoại với các nước Quan sát viên.
Ban Chấp hành AIPA đã xem xét việc đề xuất các nước sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 8; Hội nghị Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy lần thứ 13; thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA - 37 và nhiều vấn đề quan trọng khác.
+ Trước đó, sáng cùng ngày, mở đầu cho các hoạt động của Đại hội đồng AIPA - 36, Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) đã khai mạc dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Thượng viện Malaysia Datuk Doris Sophia Brodi.
Chủ tịch AIPA-36, Chủ tịch Hạ viện Malaysia với các Trưởng đoàn đại biểu nữ nghị sỹ dự Hội nghị WAIPA
Tham dự Hội nghị có: Chủ tịch AIPA - 36, Chủ tịch Hạ viện nước chủ nhà Malaysia Tan Sri Datuk Seri Pandikar Amin Bin Haji Mulia; Đoàn đại biểu nữ nghị sĩ các nước thành viên ASEAN. Đoàn nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các nữ nghị sĩ AIPA đã thảo luận về việc tăng cường sự phối hợp trong thực thi Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Chương trình phát triển sau năm 2015 về bình đẳng giới trong khu vực Đông Nam Á, các biện pháp thúc đẩy văn hóa tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường khuôn khổ pháp lý nhằm loại trừ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Hội nghị đã thông qua các Nghị quyết về Ghi nhận Chương trình phát triển về thúc đẩy bình đẳng giới sau năm 2015; Thúc đẩy tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái hướng tới tính toàn diện; Tăng cường khuôn khổ pháp lý nhằm loại trừ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN.
Đoàn nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị WAIPA
Nghị quyết về Ghi nhận Chương trình phát triển về thúc đẩy bình đẳng giới sau năm 2015 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình phát triển sau 2015 thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới hướng tới một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Nghị quyết đề nghị, các quốc gia thành viên chiến lược hóa kế hoạch hành động chung, để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tăng cường bình đẳng giới trong ASEAN.
Nghị quyết về Thúc đẩy tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái hướng tới tính toàn diện hối thúc Nghị viện các nước thành viên AIPA thiết lập cơ chế báo cáo hằng năm về việc thực hiện các văn kiện về quyền con người của ASEAN liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; đề nghị Nghị viện các nước thành viên AIPA và ASEAN bảo đảm sự hợp tác hỗ trợ giữa Hội đồng liên Chính phủ ASEAN về các quyền con người (AICHR), Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và Ủy ban ASEAN về lao động di cư (ACMW) trong việc cùng nhau thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em gái; chủ trương thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghị quyết còn nhấn mạnh vai trò tích cực đóng góp của nam giới và trẻ em trai trong ASEAN vào những nỗ lực thúc đẩy quyền của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò và ảnh hưởng của các nam nghị sĩ.
Nghị quyết về Tăng cường khuôn khổ pháp lý nhằm loại trừ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA đóng vai trò tích cực trong việc củng cố khuôn khổ pháp lý nhằm loại trừ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN, bằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là giám sát việc thực thi các chính sách và pháp luật liên quan tới nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Đoàn nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến được đưa ra tại hội nghị và có những đóng góp thiết thực vào các Dự thảo Nghị quyết của Hội nghị.
+ Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA - 36 đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng Thư ký AIPA với Ban Thư ký quốc gia các nước thành viên AIPA để trao đổi về dự án tăng cường năng lực AIPA, được hỗ trợ bởi Chính phủ Liên bang Đức.