Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới
và phát biểu tại phiên toàn thể lần thứ nhất
Trong thời gian tham dự Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ Tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đã tham dự phiên khai mạc hội nghị; có bài phát biểu quan trọng, khẳng định sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình thực hiện Các mục tiêu Phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã dự phiên thảo luận chung với chủ đề: “Dân chủ vì hòa bình và phát triển bền vững: Xây dựng một thế giới theo ý nguyện của nhân dân."
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn tham dự hội nghị; lãnh đạo Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc; thăm và nói chuyện với cán bộ Phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; gặp gỡ Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới.
Đặc biệt, nhân dịp tham dự hội nghị quy mô lớn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì tiệc chiêu đãi quốc tế kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Cũng trong thời gian ở New York, Chủ tịch Quốc hội và đoàn đã thăm thị trường chứng khoán New York (Phố Wall), thăm Khu Đài tưởng niệm 11/9 và Trung tâm Thương mại Một Thế giới.
+ Trước đó, tại New York, Hội nghị Thế giới Các Chủ tịch Quốc hội lần thứ Tư đã họp Phiên bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury.
Lãnh đạo Quốc hội từ gần 140 quốc gia dự Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Dân chủ vì Hòa bình và Phát triển bền vững: Xây dựng một thế giới theo ý nguyện của nhân dân. Với tuyên bố đầy tham vọng và sâu rộng được thông qua, lãnh đạo Quốc hội từ gần 140 quốc gia đã cam kết sẽ làm hết sức mình để tái kết nối người dân với dân chủ. Các lãnh đạo Quốc hội thừa nhận rằng, cần có những nỗ lực phi thường để xây dựng một thế giới theo mong muốn của người dân bằng cách vượt qua những thách thức có thể làm xói mòn nền dân chủ, hòa bình và phát triển.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội thế giới cam kết sẽ đưa cơ quan lập pháp gần gũi hơn với người dân bằng việc giải tỏa những hoài nghi đang ngày càng tăng của công chúng và mối quan hệ quyền lực thiếu cân bằng với chính phủ; nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải cách thể chế và Hiến pháp ở những quốc gia đang trong thời kỳ quá độ, phấn đấu vì công bằng xã hội, nâng cao khả năng điều hành đất nước, tôn trọng nhân quyền...
Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới cũng cam kết sẽ nỗ lực xây dựng cơ quan lập pháp có tính đại diện, trách nhiệm và minh bạch hơn; công nhận trách nhiệm của các Quốc hội trong việc bảo đảm việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thông qua quá trình lập pháp, phân bổ ngân sách và giám sát hoạt động của hành pháp để đạt được các mục tiêu đó. Quốc hội các nước cũng phải góp phần xây dựng nhận thức cộng đồng về các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc, từ đó củng cố mối liên hệ giữa lập pháp và hành pháp ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương.
Theo Chủ tịch IPU Chowdhury, đã có những giải pháp để có thể vượt qua các thách thức. Tuy nhiên, việc thực thi các giải pháp đòi hỏi cách tư duy mới trong hoạt động chính trị. Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội các nước cần bắt tay vào giải quyết các bất hòa chính trị dưới tiếng nói của nhân dân và nắm bắt cơ hội, tạo ra một vận mệnh mới cho thế giới và hành tinh.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội dự Hội nghị nhất trí Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ Năm sẽ diễn ra vào năm 2020.