Ảnh: Tất Dũng
Thực hiện Nghị quyết số 48 - NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết, tổ chức thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực hoạt động thuộc ngành mình, cấp mình. Sau 10 năm thực hiện (từ tháng 5.2005 đến tháng 5.2015), HĐND và UBND TP Hà Nội đã ban hành 135 Nghị quyết và 1.325 Quyết định; HĐND tỉnh Hà Tây đã ban hành 41 Nghị quyết và 215 Quyết định. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phát huy vai trò là công cụ quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật được HĐND và UBND các cấp quan tâm, thể hiện từ năm 2005 - 2015 đã phát hiện 11 văn bản do HĐND và UBND cấp huyện ban hành có nội dung trái pháp luật, thông báo cho cơ quan ban hành xử lý theo đúng quy định.
Khẳng định Thành ủy Hà Nội đã triển khai tích cực, có hiệu quả Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, kết quả đạt được của Thành ủy Hà Nội đã cho thấy thành công Nghị quyết 48: xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, phát huy tính hiệu quả tích cực của hệ thống pháp luật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hoạt động đối ngoại. Thời gian qua, nhờ tác động của chính sách pháp luật, kinh tế Thủ đô đã có bước phát triển vững chắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn dự kiến tăng 9,23%, gấp 1,58 lần so với mức tăng bình quân cả nước. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhanh từ 17,1% năm 2011 xuống còn 6,3% năm 2015. Dẫu vậy, TP vẫn còn nhiều vướng mắc trong xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là trong chính sách quy hoạch hạ tầng đô thị, thu hút nguồn lực của xã hội vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô... Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thành ủy Hà Nội tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, xét xem trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô còn thiếu nội dung gì chưa được điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật, từ đó bổ sung, điều chỉnh lại văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn.