Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn tới dự và chủ trì hội thảo.
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn dự Hội thảo Nghị viện các quốc gia phòng, chống chiến tranh mạng
|
Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28.3 đến ngày 1.4 tới. Một nội dung quan trọng trong Chương trình IPU - 132 là Đại hội đồng sẽ thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết về Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Đây là vấn đề đang được nhiều sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế bởi nó liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề có liên quan để hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin tham khảo giúp Việt Nam xây dựng, chuẩn bị các văn kiện phục vụ Đại hội, cũng như phục vụ Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự IPU - 132.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh, chiến tranh mạng trở thành chủ đề được các quốc gia, các tổ chức và cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm. Nhiều quốc gia đã xây dựng những chiến lược về an toàn thông tin quốc gia; công bố thành lập các lực lượng tác chiến mạng. Một số nước đã cùng nhau thành lập tổ chức liên minh về bảo vệ không gian mạng; một số tổ chức khu vực, quốc tế cũng đã ra tuyên bố chung, các sáng kiến, cam kết về vấn đề này. Phó chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ, nguy cơ, nguồn gốc, bản chất, cách thức, tiến hành, hậu quả của chiến tranh mạng, từ đó có các giải pháp, khuyến cáo các cơ chế phòng, chống chiến tranh mạng; làm rõ cách thức, cơ chế để QH, các ĐBQH có thể tiếp cận, chia sẻ thông tin, nhận thức rõ được các vấn đề liên quan đến chiến tranh mạng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận để làm rõ một số vấn đề chung về an toàn thông tin, an ninh mạng, chiến tranh mạng trong bối cảnh hiện nay: khái niệm, đặc điểm, mục đích, nguyên lý, công cụ, kỹ thuật, cách thức tấn công mạng, chiến tranh mạng và cơ chế, cách thức phòng chống mối đe dọa từ chiến tranh mạng… Các đại biểu cũng đã có cơ hội tìm hiểu thực tiễn an toàn thông tin, an ninh mạng, từ đó nhận thức rõ hơn về nguy cơ chiến tranh mạng trong thời gian qua trong và ngoài nước, thấy được diễn biến, hậu quả, xu thế và nguy cơ chiến tranh mạng ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Một số đại biểu đã đề xuất một số nội dung, hành động đối với QH và Chính phủ Việt Nam, cũng như đề xuất đối với Nghị viện các quốc gia trên thế giới trong tăng cường hợp tác song phương để phòng, chống mối đe dọa từ chiến tranh mạng, làm tiền đề để Đoàn ĐBQH Việt Nam đóng góp ý kiến tại IPU - 132 sắp tới.