Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ việc xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của nh ân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.
Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề về tổ chức đơn vị hành chính; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; về phân định thẩm quyền và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; về tổ chức, hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và mối quan hệ giữa hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, ý kiến từ các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tổ chức chính quyền địa phương.
Các ý kiến cho rằng trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo Luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính, bảo đảm gắn kết thống nhất giữa hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Dự thảo Luật phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể ủy ban nhân dân và cá nhân Chủ tịch ủy ban nhân dân theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu; ăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị dự thảo luật này phải thống nhất các quy định trong hệ thống luật tổ chức hiện đang xây dựng như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Đánh giá, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là nội dung cơ bản nhất, quan trọng nhất của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ mô hình chính quyền địa phương sẽ quyết định phân công thẩm quyền giữa các cơ quan thuộc chính quyền địa phương. Đây cũng là cơ sở để xác định phương thức hoạt động của chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích cụ thể nhưng ưu điểm, hạn chế, khó khăn, thuận lợi của từng phương án nêu trong dự thảo Luật để Quốc hội thảo luận, quyết định.
Về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, dự thảo Luật quy định năm điều kiện và ba tiêu chuẩn cơ bản về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Một trong những điều kiện để thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính là phải bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo quy định của Luật này và hướng dẫn của Chính phủ (phương án 1) hoặc hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội (phương án 2).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc và một số ý kiến khác cho rằng việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là vấn đề quan trọng.
Theo quy định của Hiến pháp thì thẩm quyền quyết định thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh đã được chuyển từ Chính phủ sang cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Do đó, Luật cần cụ thể hóa các điều kiện, tiêu chuẩn để tạo cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền nói trên của Ủy ban thường vụ Quốc hội mà không nên giao Chính phủ hay Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nội dung này.
Việc quy định cụ thể ngay trong Luật sẽ góp phần bảo đảm duy trì tính ổn định của các đơn vị hành chính.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh về tổ chức đơn vị hành chính, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt quy định.
Không cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số ý kiến khác tán thành với quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này.
Những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị dự thảo Luật cần phải cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương các cấp được “Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.”
Đại biểu đặt vấn đề liệu có quá mở trong việc quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương hay không khi có những trường hợp chính quyền địa phương quyết định dự toán thu chi vượt cả sự phân bổ của Trung ương.
Tại phiên làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; mô hình tổ chức chính quyền địa phương./.