Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tới dự.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Helen Clark…
Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ với quy định đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nội luật hóa các quy định của Công ước này.
Phó chủ tịch QH nêu rõ, hiện nay phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được thực hiện quyền bình đẳng từ trong gia đình đến hoạt động xã hội, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như: tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, do đó phụ nữ dân tộc thiểu số còn mù chữ nhiều, vấn đề việc làm, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số để tiếp cận với lao động chất lượng cao cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn của các cấp chính quyền, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế và bản thân chị em phụ nữ cũng cần tự mình vươn lên, học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong quá trình đổi mới.
Phó chủ tịch QH cám ơn sự ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức trong Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), dành cho Việt Nam trong những năm qua trong sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giúp Việt Nam trở thành một điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Phó chủ tịch QH mong muốn, trong giai đoạn phát triển mới sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ của các tổ chức Liên Hợp Quốc.
Phó chủ tịch QH tin tưởng, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, với các cam kết mạnh mẽ, sự tham gia tích cực của các ĐBQH và sự hỗ trợ của quốc tế trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Tại cuộc Tọa đàm, Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tiến độ ấn tượng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và phần lớn các mục tiêu đến năm 2015 ở cấp quốc gia, đặc biệt về xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục tiểu học. Tổng Giám đốc UNDP đề nghị, thời gian tới Việt Nam cần có một kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiến độ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ tại các vùng dân tộc thiểu số với các mục tiêu và lộ trình cụ thể, các hoạt động và trách nhiệm rõ ràng, phân bổ nguồn lực cần thiết và một khuôn khổ giám sát và đánh giá rõ ràng.