Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

17/04/2017

Sáng 17/4, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Diễn ra trong 6 ngày làm việc (từ ngày 17/4- 22/4), tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Đặc biệt, vào ngày 18/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV với một số nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội                      Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành hai phần làm việc. Phần thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 6 Dự án Luật gồm: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật quy hoạch. Đây là 6 Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018. Xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”; cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân; về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; việc xem xét, quyết định thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Phần thứ 2 của Phiên họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chấn vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề: Thứ nhất là giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước. Thứ hai là công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, so với Chương trình dự kiến và theo đề nghị của Chính phủ, tại phiên họp này Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung thêm một số nội dung như việc xem xét, quyết định thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia… Các nội dung này đều đảm bảo đúng quy trình chuẩn bị. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung thêm 3 nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3: Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu; dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm khai mạc phiên họp này, hồ sơ, tài liệu của các nội dung nêu trên chưa được gửi đến để cho các cơ quan của quốc hội tiến hành thẩm tra theo quy định, do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa thể xem xét để đưa vào phiên họp này. Do đó, để đảm bảo theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan khi kiến nghị các nội dung vào Chương trình Kỳ họp của Quốc hội hay Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cần gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu, các nội dung đề xuất để có đủ căn cứ, cơ sở xem xét, quyết định.

Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 6 ngày làm việc, trong đó làm việc cả vào ngày thứ Bảy, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan sắp xếp chương trình công tác, bố trí thời gian tham dự đầy đủ.

Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp đó cũng trong buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch. 

Quang Minh