Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn chính sách và pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Thái Lan
Cùng dự có Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Thái Lan - Việt Nam Sakchai Tanaboonchai; Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan-Chủ tịch Hội đồng Thương mại quốc gia Thái Lan Sanan Angubolkul; Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành của Thái Lan, Việt Nam và khoảng 300 doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam Thái Lan. Tóm tắt những thành tựu của Việt Nam sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và ổn định cho các nhà đầu tư quốc tế. Hiện tại, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã và đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển của Việt Nam; cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành một trong những trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư chính là mỏ neo lớn nhất để kỳ vọng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong tổng thể quan hệ 2 nước, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, hai nước cần phải tiếp tục đổi mới tư duy và tầm nhìn trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, chân thành, cởi mở, trách nhiệm và hiệu quả hơn, hợp tác cùng có lợi, cùng thắng, coi đây là yếu tố bất biến để ứng phó với tình hình vạn biến của thế giới và khu vực hiện nay.
Nêu quan điểm Việt Nam - Thái Lan không phải là đối thủ cạnh tranh của nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, mặc dù cơ cấu kinh tế hai nước có nhiều điểm tương đồng, nhưng những khác biệt hai bên có thể bổ sung cho nhau. Hai nước phải hợp tác với nhau trên nguyên tắc cùng thắng, cùng có lợi để làm mới các chuỗi giá trị đã có và thiết lập những cái chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược, có giá trị gia tăng cao hơn để tham gia vào các cái chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới. Điển hình là có thể hợp tác trong lĩnh vực về thương mại gạo, xe điện, lĩnh vực bán dẫn khi Việt Nam đang hy vọng và đang có tiềm năng trở thành một trung tâm bán dẫn của thế giới.
Hiện nay Việt Nam đang nhập siêu trong quan hệ thương mại với Thái Lan. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tới đây khi giá trị đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam tăng lên, cán cân thương mại sẽ trở nên cân bằng hơn.
Quang cảnh diễn đàn
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu trong đó nêu rõ giao cho Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo các lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở 5 định hướng chính quan trọng như tăng cường hợp tác giữa Quốc hội, Chính phủ hai nước để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư và kinh doanh, thích ứng với thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ và môi trường quốc tế.
Hai bên đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên tinh thần cùng thắng và cùng có lợi, thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027 và sáng kiến "Ba kết nối", nhất là kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các địa phương hai nước, gồm cả các tỉnh miền Trung của Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Kết nối hạ tầng đường bộ, đường thủy tiếp tục phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam, mở thêm nhiều đường bay trực tiếp giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Việt Nam - Thái Lan đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ, hiệp hội với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp để thúc đẩy và khơi thông các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh của mỗi nước trong bối cảnh mới, trong đó Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư các vào các lĩnh vực năng lượng, xanh, ô tô, thực phẩm, chế biến, dệt may, vật liệu điện tử, hóa chất, hạ tầng khu công nghiệp.
Hai nước tận dụng và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà hai nước đã và đang là thành viên để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, gia tăng xuất, nhập khẩu, tăng cường hợp tác về tài chính và tiền tệ, mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên, phấn đấu sớm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều 25 tỉ USD theo hướng cân bằng, cùng có lợi và cao hơn nữa trong tương lai. Hai bên cần tiếp tục nỗ lực tích cực trong việc phối hợp và tham vấn lẫn nhau, đặc biệt là tại các cơ chế hợp tác doanh nghiệp đa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn chính sách và pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Thái Lan
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã và sẽ luôn đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị để ban hành nhiều chính sách phù hợp, xây dựng khung pháp lý minh bạch, công bằng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Thái Lan nói riêng kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam. Việt Nam luôn luôn coi thành công của các doanh nghiệp là thành công của chính mình.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ra mắt của Phòng Thương mại Việt Nam - Thái Lan tại Thái Lan./.