PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA TỔ CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Phiên họp thứ nhất của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 20/7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm Phó Tổ trưởng Thường trực và các Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh làm Phó Tổ trưởng. Tham gia Tổ Công tác có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội: Pháp luật, Kinh tế, Tài chính, Ngân sách, Tư pháp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp
Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Bảo đảm sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với các cơ quan có liên quan của Chính phủ trong quá trình rà soát, tổng hợp và xử lý kết quả rà soát; kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình rà soát.
Tổ Công tác chỉ đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triển khai rà soát pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 gắn với công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 và Văn bản số 472/UBTVQH15-PL ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Quy chế làm việc của Tổ Công tác
Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ Công tác họp phiên thứ nhất để tập trung trao đổi về quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Tổ Công tác về nguyên tắc làm việc, kế hoạch, tiến độ triển khai nhiệm vụ.
Gợi ý nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tập trung cho ý kiến để thống nhất các nội dung về quy chế làm việc, nguyên tắc làm việc, phân công nhiệm vụ để sớm ban hành chính thức, kịp thời triển khai ngay. Trong đó kế thừa kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống COVID- 19 trước đây, tinh thần là không làm thay việc của Chính phủ nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong phân công nhiệm vụ bảo đảm vừa phát huy vai trò của tập thể Tổ Công tác vừa phát huy vai trò của mỗi thành viên. Từng thành viên phải có trách nhiệm tham gia các phiên họp của Tổ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đình gợi ý nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý cách thức hoạt động để không có sự chồng chéo, chồng lấn nhiệm vụ của nhau giữa Tổ Công tác của Chính phủ và Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Dự kiến tiến độ đề ra là đến ngày 15/9, Chính phú có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2023. Mong muốn qua rà soát có đề xuất sửa đổi bổ sung cụ thể, có thể trình Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật để kịp thời tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư và người dân, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhưng Tổ Công tác lần này phải có cách làm đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt, cấp bách với yêu cầu đòi hỏi cao của tình hình kinh tế - xã hội và nhiệm vụ Quốc hội đã giao.
Các thành viên Tổ Công tác tham dự phiên họp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh bảy tỏ nhất trí cao với chủ trương cách làm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thành lập Tổ Công tác về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Cho rằng khối lượng công việc là rất lớn, việc rà soát các nội dung rộng bao hàm nhiều lĩnh vực, công tác rà soát đòi hỏi phải tiến hành kỹ lưỡng, toàn diện, trong khi đó quỹ thời gian không có nhiều, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí về việc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ ngay từ khi xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chỉ đạo để các bên liên quan có tổng hợp chung về những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo từ thực tiễn thi hành pháp luật được rút ra từ kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thống nhất giao Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban Pháp luật là hai cơ quan thường trực của hai Tổ Công tác có kế hoạch phối hợp cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kế thừa kết quả đã rà soát theo chức năng, nhiệm vụ làm thường xuyên; những kết quả rà soát theo yêu cầu của cơ quan chức năng như Ban Nội chính Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật…để có tổng hợp những nội dung đã rà soát, đã có kiến nghị nhưng chưa được sửa đổi. Đồng thời, có sự hệ thống hóa và tiếp tục cập nhật, phát hiện mới những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cấp thông qua công tác chuyên môn mà trọng tâm là công tác giám sát, thẩm tra; tổng hợp các báo cáo, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan khác gửi đến các cơ quan của Quốc hội; cũng như chủ động nắm bắt thông tin qua báo chí, diễn đàn, gặp gỡ chuyên gia, công tác dân nguyện…
Tổ Công tác có văn bản gửi các cơ quan của quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố,các Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị có báo cáo về việc phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở tổng hợp, thu thập các kiến nghị, đề xuất, Tổ Công tác có rà soát, xem xét, để đưa ra nhận định đánh giá và có đề xuất cụ thể.
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý Nghị quyết số 101/2023/QH15 nêu rõ những lĩnh vực trọng tâm rà soát ngoài ra còn có những lĩnh vực khác. Do đó trong quá trình thực hiện các cơ quan cần xác định trong trọng tâm có trọng điểm, mà tại thời điểm này là chống suy thoái kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhấn mạnh yêu cầu này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tập trung để thực hiện để có được sản phẩm cụ thể, sửa đổi những nội dung cấp bách và tạo chuyển biến thực chất.
Lưu ý thời gian không có nhiều, tiến độ gấp rút, yêu cầu cao, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều tin tưởng, kỳ vọng về Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên Tổ Công tác làm việc không quản ngày đêm bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị trên cơ sở ý kiến tại phiên họp hoàn thiện Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ Công tác, có kết luận làm việc trong đó xác định các nội dung công việc, tiến độ thời hạn cụ thể, trình tự thủ tục, phối hợp công tác, các nội dung đề nghị phối hợp giữa Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổ Công tác của Chính phủ, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm và cấp bách, các công việc cần ưu tiên làm trước.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp.