PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH
Quang cảnh hội nghị
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã báo cáo với cử tri huyện Hưng Hà về kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết. Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi gồm 07 chương, 80 điều, trong đó đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; một số giao dịch đặc thù; tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Hợp tác xã được sửa đổi gồm 12 chương và 115 điều, trong đó tập trung thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; bổ sung quy định về đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển; các quy định liên quan đến cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các quy định về tổ chức quản trị, tài sản, tài chính, kiểm toán của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định về nhiệm vụ của tổ chức đại diện, trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Các đại biểu và cử tri tham dự hội nghị
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được sửa đổi gồm 22 điều với nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị và điều chỉnh một số nội dung về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cũng tại kỳ họp này, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ý kiến góp ý của Nhân dân. Quốc hội đã tập trung thảo luận về: mức độ thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; một số nội dung cốt lõi về quy hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất, nhất là thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; các trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần và trả tiền thuê đất hằng năm; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa...
Cử tri huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị.
Sau khi nghe đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình báo cáo kết quả của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Hưng Hà đồng tình với kết quả kỳ họp thứ 5, đồng thời cho rằng các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp cử tri cho rằng do ảnh hưởng của giá cả thị trường có nhiều biến động dẫn đến diện tích ruộng đất bị bỏ hoang đang có xu hướng phổ biến, vì vậy đề nghị Quốc hội và các cấp cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân gắn bó với đồng ruộng; cần quy hoạch những vùng trồng lúa chất lượng cao hướng đến việc xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích; có giải pháp quan tâm xây dựng các nhà máy sản xuất phân vi sinh để giảm chi phí trồng trọt cho bà con trong thời điểm giá phân bón hóa học tăng cao; tạo cơ chế thuận lợi cho người dân chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm từ đó đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và xuất khẩu.
Về thực thi pháp luật, cử tri huyện Hưng Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng vì hiện nay tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều thêu bao nhận là lực lượng ngành Công an, Viện kiểm sát… gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cử tri đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm; có giải pháp ngăn chặn, quản lý chặt chẽ và chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để định hướng cho nhân dân.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Trung ương xem xét điều chỉnh quy định đăng kiểm đối với xe ô tô theo đó, xe ô tô dưới 7 chỗ mới đang ký lần đầu thì không phải đăng kiểm trong 5 năm để giảm chi phí và thời gian cho chủ phương tiện vì các hãng xe ô tô đã đảm bảo các thông số an toàn theo tiêu chuẩn; Xe ô tô vận tải, xe chở khách phải tiến hành đăng kiểm định kỳ để bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm phục vụ khách hàng.
Cho rằng hiện nay kế hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp là rất hạn chế. Đề nghị Trung ương bổ sung thêm kế hoạch sử dụng đất cho các tỉnh để tỉnh chủ động điều chỉnh cho các huyện triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội họp thành 2 đợt, có 1 tuần giữa kỳ họp dành để cho các cơ quan của cơ quốc hội tiếp thu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết những ngày này đại biểu Quốc hội về địa phương xử lý công việc, còn ở trung ương hơn 150 đại biểu Quốc hội chuyên trách, cùng với các cơ quan của Quốc hội đã tích cực tiếp thu và giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án Luật, các dự thảo nghị quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều được lắng nghe, tiếp thu tối đa, với những ý kiến không tiếp thu trong dự án luật thì cũng phải giải trình rõ dựa trên căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn thuyết phục được đại biểu Quốc hội. Chia sẻ với cử tri Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết kỳ họp này các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc các Ủy ban tận dụng tối đa thời gian, có những hôm làm cả buổi tối, làm cả thứ 7, chủ nhật gần như không có ngày nghỉ để chỉnh lý, tiếp thu hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo nghị quyết điều đó cho thấy không khí dân chủ cởi mở trong hoạt động của nghị trường Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV Quốc hội đã mời đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tới dự thính các phiên họp của Quốc hội, từ đó giúp trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đã tham gia đóng góp 56 lượt ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội đây là con số ở mức cao hơn bình quân chung của các đoàn đại biểu Quốc hội, các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống Nhân dân.
Về vấn đề xử lý ô nhiễm tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của huyện do đó đề nghị cần phải sớm xử lý, đảm bảo cuộc sống của người dân.
Đối với kiến nghị của người dân về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang cây trồng có năng suất chất lượng cao hơn, có chính sách thu hút người dân đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết những kiến nghị của cử tri trên thực tế Trung ương đã có chủ trương từ rất lâu, việc chuyển đổi phải đảm an ninh lương thực, đồng thời với đó dự án khả thi, chứng minh được hiệu quả cao hơn để trình các cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về vấn đề định giá đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết điều này đang được nghiên cứu để sửa đổi trong dự án Luật đất đai, theo hướng giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định , điều này vừa đảm bảo tính khả thi, sát với thực tế của địa phương, đồng thời đảm bảo việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương.
Về việc thực thi Luật An ninh mạng để tránh tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thời gian quan các cơ quan chức năng của nước ta đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trên không gian mạng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng với công nghệ ngày càng tinh vi, tiên tiến, bên cạnh việc cơ quan chức năng xử lý vi phạm, thì cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Trao đổi với cử tri về vấn đề đăng kiểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết ngay tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải trong đó có vấn đề đăng kiểm. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Chất vấn và trả lời chất vấn trong đó yêu cầu Bộ giao thông vận tải cần giải quyết vấn đề này.
Với các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp thu, tổng hợp có văn bản để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chuyển đến các cơ quan xem xét giải quyết, trả lời trong thời gian tới./.