5 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐỂ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC HIỆU QUẢ, ĐÚNG LỘ TRÌNH

27/03/2023

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND Tp.Hà Nội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cần thực hiện khẩn trương 5 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai chương trình giáo dục hiệu quả, đúng lộ trình, đạt được kết quả tích cực như đã đề ra.

CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI UBND TP.HÀ NỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Quang cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND Tp.Hà Nội

Còn hạn chế trong công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

Thực hiện chương trình giám sát, vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ''Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông'' đã làm việc với UBND Tp.Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề lồng ghép quy hoạch trường lớp trong quy hoạch của Thành phố; giải pháp tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của nhân dân nhất là các bậc phụ huynh trong triển khai thực hiện; vấn đề cơ chế huy động thêm lực lượng người dạy trong bối cảnh thiếu giáo viên; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; những vấn đề cụ thể về thiếu giáo viên; về sĩ số học sinh, thiết bị dạy học, phòng thư viện, sân thể dục thể thao; giải pháp để giảm sự chênh lệch giữa các trường ở các khu vực của Thành phố; về lựa chọn sách giáo khoa, về thi chuyển cấp.

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến để có giải pháp căn cơ nhằm huy động nguồn lực thực hiện Chương trình có tính đến xây dựng chương trình mục tiêu về giáo dục, đào tạo và giải pháp xã hội hóa, thu hút nguồn lực tư nhân. Làm rõ hơn nguồn lực đầu tư, kinh phí thực hiện, số liệu phải thống nhất.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn Giám sát nhấn mạnh, Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thành phố. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội; tài liệu được cung cấp đầy đủ, kịp thời, nhiều số liệu, các kiến nghị cụ thể, đáp ứng đúng theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục đào tạo Thành phố Hà Nội, các sở, địa phương... trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đó, thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành hệ thống văn bản để triển khai Nghị quyết với 33 văn bản của Thành phố và 86 văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Nội dung chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, lộ trình và phân công tổ chức thực hiện; bảo đảm tính nhất quán, cơ bản phù hợp với điều kiện của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Đồng thời, thành phố Hà Nội đã quan tâm bố trí đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện; đội ngũ giáo viên cơ bản tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo đã được các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện; những kết quả mà ngành giáo dục của Thành phố đã đạt thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố rất quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung và việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát thường xuyên tại các kỳ họp, các hoạt động giám sát chuyên đề; qua đó, kịp thời có nhiều kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố và các sở, ngành có liên quan, góp phần thực hiện tốt hơn Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, qua khảo sát thực tế một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, qua phát biểu của các đại biểu dự họp và những đánh giá bước đầu của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn Thành phố còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, một số chương trình môn học ban hành chậm hơn so với Chương trình tổng thể; có tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới; công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở giáo dục còn khó khăn, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Tài liệu giáo dục địa phương của Thành phố chưa được thực hiện đúng tiến độ. Đây là một trong số những thách thức đang đặt ra trong lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông ở Hà Nội.

5 nhiệm vụ để triển khai Chương trình giáo dục hiệu quả, đúng lộ trình

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất, nhất là phần kiến nghị; đồng thời quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Thứ hai, bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt Chương trình; quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả.

Thứ ba, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới cho phù hợp.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và cả xã hội về việc triển khai thực hiện chương trình. Sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thứ năm, phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà giáo trong xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không chỉ có trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.

Hồ Hương