PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CÁC CƠ QUAN CHỊU TRÁCH NHIỆM ĐẾN CÙNG BẢO ĐẢM HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU THẦU

15/03/2023

Sáng 15/3, theo chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng, chặt chẽ để hoàn thiện quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu…để nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, không tạo kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/3: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 21 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHO Ý KIẾN VỀ CÁC NỘI DUNG LỚN LÀM CƠ SỞ CHO VIỆC TIẾP THU, GIẢI TRÌNH CÁC DỰ ÁN LUẬT

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật. Đồng thời đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Đồng thời chủ trì cùng với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong quá trình chuẩn bị rất quan trọng, nhiều ý kiến cần phải làm rõ. Sau hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ báo cáo lại Thường vụ Quốc hội những nội dung cơ bản và nếu thống nhất cao thì mới trình ra Quốc hội. Việc xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài ý kiến xin toàn diện về dự thảo luật, cần nêu rõ các nội dung lớn, các nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến, quan điểm của các cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo về các nội dung này. Đồng thời, báo cáo rõ trong việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật cần gửi lấy ý kiến Chính phủ, trong đó nêu rõ nội dung tiếp thu ý kiến tham gia của đại biểu Quốc hội, những nội dung có ý kiến khác nhau, phương án dự kiến tiếp thu, giải trình rõ lý do tiếp thu để Chính phủ cho ý kiến. Sau khi có ý kiến Chính phủ, đề nghị hoàn chỉnh dự án luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nếu nội dung thay đổi so với dự thảo Chính phủ đã có ý kiến thì tiếp tục xin ý kiến Chính phủ trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua luật cũng như xin ý kiến Chính phủ để tạo sự đồng thuận cao khi nhất trí đưa ra Quốc hội.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ:

Thứ nhất, đề nghị rà soát, đánh giá kỹ tác động về hoàn thiện phạm vi, đối tượng điều chỉnh; phạm vi vốn nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, dự án sử dụng vốn nhà nước. Đề nghị lưu ý quy định các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ nên áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu nhằm bao quát các công ty con, cháu có vốn chi phối của doanh nghiệp nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập khi mua sắm, đầu tư cần áp dụng Luật Đấu thầu để phù hợp thực tế và bản chất của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng bộ với các luật khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Đồng thời, tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn ưu, nhược điểm, tính phù hợp, đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến đang có ý kiến khác nhau, quan điểm lựa chọn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh quan điểm là phối hợp tốt, lắng nghe, cầu thị và tạo sự đồng thuận, thống nhất trước khi trình Quốc hội.

Thứ hai, rà soát quy định về áp dụng luật thống nhất với các điều ước quốc tế, phân định rõ, phù hợp trong luật các nội dung được áp dụng trong Luật Đấu thầu, các nội dung áp dụng luật chuyên ngành, cơ bản phải theo nguyên tắc là Luật Đấu thầu quy định nguyên tắc trình tự, thủ tục các nội dung đặc thù, cụ thể quy định ở luật chuyên ngành.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các bất cập ở các luật khác bằng cách sửa đổi trực tiếp trong Luật Đấu thầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoặc kiến nghị sửa đổi các luật có liên quan. Nghiên cứu đánh giá tác động cần thiết để có sửa đổi một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Điều ước quốc tế; kiến nghị hoàn thiện Luật Đất đai đang sửa đổi, điều chỉnh Luật Đấu thầu cho phù hợp để tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong lựa chọn nhà đầu tư có dự án sử dụng đất và dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.

Rà soát, hoàn thiện, đảm bảo thống nhất với các luật khác như quy định về hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng trong Luật Xây dựng, Bộ luật Dân sự, các quy định về Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Đất đai.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Việc hoàn thiện phải bám sát nguyên tắc, nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, không tạo kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đấu thầu rộng rãi là phổ biến, xuyên suốt, các hình thức lựa chọn nhà thầu khác chỉ thực hiện khi không thể đấu thầu rộng rãi và phải quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện áp dụng trong luật, chỉ giao Chính phủ quy định về trình tự và thủ tục.

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề nghị loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai theo Nghị quyết của Quốc hội. Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu.

Làm rõ căn cứ quy định về đấu thầu trước, hạn chế hình thức đấu thầu này, cụ thể điều kiện áp dụng, không tạo kẽ hở trong thực thi. Cân nhắc ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị áp dụng đấu thầu trước được quy định trong điều ước quốc tế và hiệp định vay vốn. Cụ thể, các trường hợp đặc thù, điều kiện đặc thù, đặc biệt và thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh lạm dụng chính sách.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về nội dung liên quan đến đấu thầu qua mạng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và lộ trình chuyển đổi số. Giao Chính phủ quy định chỉ nên là các nội dung mới, phải thuyết minh cụ thể và thuyết phục.

Thứ năm, hoàn thiện các quy định về hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng, các hình thức hợp đồng, hợp đồng trọn gói. Hoàn thiện quy định về mua thuốc, vật tư, hóa chất y tế, mua sắm tập trung, thẩm quyền ban hành danh mục thiết bị y tế hóa chất, vật tư y chế, đấu thầu tập trung. Quy định cụ thể hơn về đàm phán giá.

Thứ sáu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, ưu đãi đối với nhà đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh. Quy định chặt chẽ, phù hợp khả thi về ưu tiên, ưu đãi trong việc mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm thân thiện môi trường, ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp có sử dụng lao động yếu thế.

Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật, chuẩn bị hồ sơ xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tập hợp đầy đủ ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự thảo luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác