Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 15
Theo Báo cáo của Chính phủ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo đó, knh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao. Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam...
Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng do có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại Tổ số 15
Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đều thống nhất đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, trách nhiệm của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; cho rằng các báo cáo đã nêu bật được nêu rõ được vấn đề. Các đại biểu cho rằng, mặc dù năm 2022 nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, trong đó rất nhiều khó khăn không dự báo trước được, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều phức tạp, các kết quả đạt được rất đáng phấn khởi, thể hiện rõ đà phục hồi và phát triển kinh tế. Để có được kết quả đó, các đại biểu đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; song song với đó là sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 được chuẩn bị hết sức kỹ càng, cẩn thận, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ các bộ, ngành, các địa phương và sự tham gia đóng góp ý kiến thấu đáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều đáng mừng là trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2022 – khó khăn hơn dự báo, đặc biệt là tác động sâu rộng của dịch bệnh Covid-19, đã có những lúc các tổ chức thế giới đánh giá khả năng hồi phục kinh tế của nước ta đứng ở cuối cùng của thế giới nhưng đến thời điểm này lại đánh giá Việt Nam phục hồi đứng thứ nhất, thứ hai và đang đi ngược lại với thế giới. Trong khi thế giới lạm phát thì Việt Nam ổn định, trong khi thế giới suy giảm thì Việt Nam tăng trưởng, trong 2 quý gần đây thì tăng trưởng cao nhất từ 2011, với 14/15 chỉ tiêu đạt kế hoạch và vượt. Trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 8,83%, nếu 3 tháng cuối năm đạt 5,9% thì đạt 8%, vượt 5,9% thì vượt 8%, tức là vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong bối cảnh chung đó, vẫn còn 19 tỉnh, thành phố trăng trưởng dưới 6%; 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6%. Với cùng cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật thì bên cạnh nguyên nhân do điều kiện thì còn ở nguyên nhân điều hành ở các địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh khó khăn đó thì những kết quả đạt được đến từ sự chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, mặt trận, đoàn thể và của toàn thể nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc Nguyễn Khắc Định hội nêu rõ, đóng góp cho thành công chung đó, Quốc hội đã đồng hành, chia sẻ, kịp thời ban hành thể chế; sửa đổi, bổ sung thể chế; Quốc hội giám sát, ban hành những chính sách quan trọng để Chính phủ thực hiện; Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có nhiều đổi mới. Đó là lần đầu tiên có Kỳ họp bất thường; ban hành 1 luật sửa 9 luật; ban hành các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… một cách nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với Luật trong thời gian Quốc hội không họp. Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có những Nghị quyết khác luật, có những Nghị quyết luật chưa quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cùng làm. Thậm chí, có những vấn đề Chính phủ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí họp ngay, thậm chí là buổi tối và họp trực tuyến để kịp thời ban hành, tháo gỡ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định lưu ý, từ cách làm này có thể là bài học tạo sự lan tỏa xuống địa phương để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Trong bối cảnh năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thế giới dự báo có thể rơi vào khủng hoảng khi vừa suy giảm tăng trưởng và vừa lạm phát. Với nước ta thì sẽ bị tác động sâu rộng, bởi nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu quan trọng là phải bảo đảm thế kiềng 3 chân: Một là, bảo đảm kinh tế vĩ mô để làm cơ sở bảo đảm kinh tế - xã hội; hai là, thúc đẩy sản xuất để tăng trưởng; ba là, bảo đảm an sinh xã hội trên nền tảng ổn định chính trị. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.
Để giải quyết các vấn đề quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát về 4 nhóm nội dung. Đó là, giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" để giải quyết các vấn đề khó khăn như hiện nay của ngành y tế. Giám sát chuyên đề: "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030". Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" và chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương tập trung hỗ trợ cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện giám sát, bởi đây là những vấn đề hết sức thiết thực để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương./.