TS.VÕ XUÂN VINH: QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ CÓ CHIỀU SÂU TRUYỀN THỐNG VÀ ĐẠT ĐƯỢC SỰ TIN TƯỞNG LỚN

18/12/2021

TS.Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia kiên định, nhất quán trong việc ứng phó với các thách thức ở khu vực nên nhận được sự tin tưởng của nhiều đối tác, trong đó có Ấn Độ. Quan hệ giữa hai nước có chiều sâu truyền thống và đạt được sự tin tưởng lớn.

 

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thứ 11 trên thế giới và là đối tác thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ (2007). Tính tới cuối năm 2021, Việt Nam là một trong 6 đối tác chiến lược mà Ấn Độ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc cao hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tổng số 10 đối tác ở cấp này của Ấn Độ trên toàn thế giới.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia kiên định, nhất quán trong việc ứng phó với các thách thức ở khu vực nên nhận được sự tin tưởng của nhiều đối tác, trong đó có Ấn Độ. Quan trọng không kém, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có chiều sâu truyền thống và đạt được sự tin tưởng lớn.


Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist (CPI-M) Sitaram Yechury trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Ấn Độ là sự khẳng định lại và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trước hết là từ hai cơ quan lập pháp của hai nước. Hai nước cũng đang hướng tới những hợp tác mạnh mẽ từ thế mạnh của mỗi bên. Liên quan đến nội dung này, TS.Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), có một vài chia sẻ.

TS.Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Phóng viên: Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (1972-2022). Trải qua 50 năm, các thế hệ lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng vun đắp, củng cố và xây dựng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ mối quan hệ hữu nghị đến quan hệ ngoại giao đầy đủ năm 1972, đến Quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2003, Đối tác Chiến lược năm 2007 và Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Ông có thể cho biết những dấu mốc vừa kể trên có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Việt Nam-Ấn Độ?

TS.Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Nếu chúng ta đặt quá trình nâng cấp quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong tiến trình xây dựng đối tác chiến lược/chiến lược toàn diện của Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh rộng lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa đặc biệt của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ hiện nay.

Ấn Độ là đối tác thứ hai trên thế giới mà Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác chiến lược (2007) sau Liên bang Nga (2001) và cũng là là đối tác thứ hai trên thế giới mà Việt Nam nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sau Trung Quốc (quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc được thiết lập năm 2008). Đối với phía Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thứ 11 trên thế giới và là đối tác thứ 5 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ (2007). Tính tới cuối năm 2021, Việt Nam là một trong 6 đối tác chiến lược mà Ấn Độ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc cao hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tổng số 10 đối tác ở cấp này của Ấn Độ trên toàn thế giới. Trong 6 đối tác được phía Ấn Độ nâng cấp quan hệ ở châu Á-Thái Bình Dương thì quan hệ chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam được thiết lập thứ 3 (2016), trước cả Indonesia (2018) và Australia (2020), chỉ sau Nhật Bản và Mỹ (quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược đặc biệt và đối tác toàn cầu vào tháng 12/2015; quan hệ Ấn Độ-Mỹ được nâng cấp lên tầm chiến lược toàn cầu vào năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện vào tháng 2/2020).

Sự tiến triển của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ được phản ánh chính xác trong Tuyên bố chung Việt Nam-Ấn Độ tháng 9/2016. Tuyên bố nhận mạnh, quan hệ giữa hai nước “được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có sự liên kết chặt chẽ về văn hóa, lịch sử và văn minh, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực”.

Phóng viên: Việt Nam được các học giả Ấn Độ đánh giá là có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và là một trụ cột chính trong chính sách Hành động hướng Đông của nước này. Xin ông cho biết vì sao Ấn Độ lại có đánh giá, nhận định như vậy và cho biết hai nước cần tiếp tục ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nào để duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực châu Á và Ấn Độ Dương  Thái Bình Dương cũng như trên Biển Đông?

TS.Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Điểm đầu tiên cần nhấn mạnh là Ấn Độ coi trọng vai trò của Việt Nam vì hai lý do: ý nghĩa chiến lược và mối quan hệ tin cậy truyền thống. Trong bối cảnh Thái Bình Dương đang dần trở thành “trung tâm đầu não” của thế giới như Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã tiên đoán vào năm 1947, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Việt Nam có ý nghĩa địa-chiến lược quan trọng mà bất cứ một cường quốc nào có lợi ích ở khu vực đều rất quan tâm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia kiên định, nhất quán trong việc ứng phó với các thách thức ở khu vực nên nhận được sự tin tưởng của nhiều đối tác, trong đó có Ấn Độ. Quan trọng không kém, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ có chiều sâu truyền thống và đạt được sự tin tưởng lớn.

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2014 đã khẳng định với báo giới Ấn Độ rằng “quan hệ chính trị giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn mạnh mẽ và (như bầu trời) không một gợn mây”. Hiếm có nguyên thủ hay quan thức cấp cao của quốc gia nào lại sử dụng trực tiếp thuật ngữ “East Sea” như một cách thức ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông như cách mà Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nhấn mạnh tại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ vào tháng 11/2013.

Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Đông Nam Á là trung tâm đang chứng kiến những biến động địa-chính trị khó lường, trong đó có cả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hai nước cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, đặc biệt là việc Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam. Đồng thời, sự hợp tác giữa hai nước trong việc trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở ở khu vực phù hợp với các nguyên tắc, đồng thời góp phần bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) là rất cần thiết.

Bên cạnh hợp tác triển khai hoạt động chung của hải quân hai nước trong không gian biển như các chuyến thăm hữu nghị, huấn luyện và tập trận chung thì việc tiếp tục hoạt động các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt của tập đoàn ONGC Videsh Limited (OVL), Ấn Độ trong khu vực kinh tế đặc quyền của Việt Nam ở Biển Đông là rất cần thiết. Đây là sự khẳng định đanh thép của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với Biển Đông khi các tập đoàn lớn như Korean National Oil Company (Hàn Quốc), Pogo, Chevron (Mỹ) Premier Oil, BP, Pearl Energy (Anh), Gazprom (Nga), CGG Veritas (Pháp), Idemitsu (Nhật Bản), Petrolium Geo-Services (Na Uy), Santons (Australia) đều có dự án khai thác trong các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ cũng cần tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vưc như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF), Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển ở châu Á (ReCAAP)…

Phóng viên: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ. Kỳ vọng của ông về vấn đề thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước cũng như tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực?

TS.Võ Xuân Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Tôi cho rằng chuyến thăm sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Rõ ràng trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao đều được cân nhắc và chọn lựa kỹ càng. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đơn thuần là để nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 15 năm quan hệ đối tác chiến lược và 5 năm đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ mà còn có ý nghĩa chiến lược to lớn.

Chuyến thăm là sự khẳng định lại và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trước hết là từ hai cơ quan lập pháp của hai nước. Hai nước cũng đang hướng tới những hợp tác mạnh mẽ từ thế mạnh của mỗi bên. Với tư cách là hai quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển, Việt Nam và Ấn Độ sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, đặc biệt là an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI). Hợp tác sản xuất vắc xin giữa hai nước kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh khi Ấn Độ là cường quốc sản xuất vắc xin của thế giới và Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay các cường quốc như Mỹ ủng hộ trở thành trung tâm sản xuất vắc xin của khu vực.

Hợp tác về năng lượng, bao gồm các dự án khai tác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi, điện mặt trời sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Bên cạnh đó, kỳ vọng đầu tư của Ấn Độ vào các tỉnh của Việt Nam hay các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trưởng hơn 1,3 tỉ dân của Ấn Độ khi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có đại diện lãnh đạo các tỉnh như Thái Nguyên, Hải Dương, Cà Mau.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan