PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 2 TIỂU BAN VĂN BẢN PHÁP LUẬT VÀ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

19/04/2021

Chiều 19/4, tại nhà Quốc hội, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền tổ chức Phiên họp thứ hai. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 2 của Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền

Dự Phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Hoàng Thanh Tùng;  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao... và các đồng chí là thành viên Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là Phiên họp thứ hai của Tiểu ban nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Tiểu ban từ sau phiên họp thứ nhất đến nay và thống nhất kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo đến ngày bầu cử (23/5/2021).

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, phiên họp cũng nhằm kịp thời triển khai chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 5, về việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử, đổi mới hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền đa dạng, có chiều sâu để Ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân, phát huy được ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi cử tri, phấn đấu đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất, đồng thời phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá ngày bầu cử của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp 

Báo cáo tại Phiên họp về kết quả hoạt động của Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền từ sau phiên họp thứ nhất đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Hoàng Thanh Tùng, cho biết: Tiểu ban đã hoàn thành việc phối hợp, theo dõi và đôn đốc việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử của các cơ quan hữu quan theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia, kịp thời phục vụ Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Hội đồng bầu cử quốc gia triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhan dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. Việc tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện công tác tổ chức bầu cử, bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn.

Ngoài ra, Bộ phận Thường trực Tiểu ban đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật trực tiếp tham gia biên tập, góp ý vào dự thảo cuốn sách Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Bộ phận Thường trực của Tiểu ban cũng đã trực tiếp tham gia góp ý vào một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử như dự thảo Nghị quyết của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn về mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri,... Một số thành viên của Tiểu ban đã tham gia các Đoàn công tacs kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một số địa phương.

Đối với, những công việc liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí đã bước vào đợt cao điểm thứ nhất thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. Bên cạnh việc phản ánh hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, các báo, đài đã tập trung phản ánh không khí và kết quả của các cuộc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trên cả nước, về kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương và các địa phương. Các cơ quan , đoàn thể cũng đã tổ chức nhiều hội nghị để thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng khác nhau về cuộc bầu cử. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền về cuộc bầu cử; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động bầu cử;... Đại diện Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền đã tham dự và có báo cáo chuyên đề tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội nhà báo tổ chức để thông tin tới lãnh đạo các cơ quan báo chí về bầu cử, báo cáo chuyên đề tại Hội nghị Báo cáo viên trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Nhiều thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia, thành viên Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền đã trực tiếp trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí về công tác bầu cử.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Hoàng Thanh Tùng

Dự kiến công việc triển khai trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Hoàng Thanh Tùng cho biết, Tiểu ban sẽ tập trung thực hiện một số công việc: Tiếp tục thực hiện công tác tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia kịp thời ban hành văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện công tác tổ chức bầu cử theo phân công; Cử thành viên Tiểu ban tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử theo phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia; Tập hợp, rà soát những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử do các địa phương và cơ quan, tổ chức phản ánh; Các cơ quan báo chí cần tiếp tục có nhiều tuyến tin, bài để thông tin về bầu cử trong đó tập trung vào tuyên truyền về kết quả của Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, việc công bố danh sách chính thức những người ứng cửu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nahan dân các cấp;...; Chỉ đạo đăng tải đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 trên Công thông tin điện tử của Quốc hội, tổ chức cập nhật thường xuyên Trang Thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia;...

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu tại Phiên họp

Tại Phiên họp, đại điện các cơ quan tham dự đã báo cáo công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2026 tại đơn vị, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục triển khai công tác thông tin, tuyên truyền đến ngày bầu cử (23/5/2021).

Đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình và đánh giá cao về kết quả hoạt động của Tiểu ban cũng như những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện của Tiểu ban trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo kiến nghị Tiểu ban cân nhắc, xem xét hình thức tuyên truyền thông qua tin nhắn trên mạng viễn thông vào thời điểm ngày 14/5 và ngày 21/5 với nội dung ngắn gọn, cô đọng mang tính khẩu hiệu về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của cử tri trong ngày Hội toàn dân.

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ đã có Công văn số 612 gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Sở Văn hóa, Thể thoa và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí thuộc Bộ để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền; Kế hoạch số 1086 về tổ chức triển khai thực hienj công tác tuyên truyền. Đồng thời tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyền truyền bầu cử. Thời gian tới, Bộ sẽ phát hành 20.000 tranh/2 mẫu tranh cổ động; 1.000 đĩa DVD tranh cổ động; ... gửi về địa phương phục vụ công tác tuyên truyền tại cơ sở trên toàn quốc; Tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 tại 04 tình/thành phố;...

BàTrịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Phiên họp

Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương kiến nghị, công tác thông tin, tuyên truyền thời gian tới cần tập trung: tuyên truyền về chương trình hành động của các ứng viên; tuyên truyền kết quả bầu cử sớm, đẩy mạnh hình thức tuyên truyền bằng hình thức tin nhắn; nắm chắc tình hình dư luận trong nhân dân; kip thời định hướng dư luận,. ...

Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kiến nghị cân nhắc phương án dự phòng đối với những nơi bị cách ly trong trường hợp dịch Covid -19 có diễn biến phức tạp trong thời gian bầu cử.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, kiến nghị công tác thông tin, tuyên truyền cần đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần có phương thức tuyên truyền cho phù hợp.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị phát huy hình thức dân vận cơ sở trong tuyên truyền, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử. Một số ý kiến khác đề nghị: hình thức tuyên truyền cần sinh động, dung dị và gần gũi với người dân; thông tin cần kịp thời, đầy đủ;...

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định khẳng định: thời gian qua, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền đã hoàn thành tốt hai nội dung công việc chính gồm: công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử và công việc liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền. Tiểu bản đã hoàn thành việc phối hợp, theo dõi và đôn đốc việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử; tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương (có 32 văn bản trả lời, hướng dẫn về công tác bầu cử được ban hành).

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, với lượng thông tin đa dạng, phong phú;... Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp đầy đủ thông tin; nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân đối với hoạt động bầu cử. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian tới, công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đáp ứng tốt các vấn đề phát sinh; công tác thông tin tuyên truyền phải làm tốt cả trước, trong và sau cuộc bầu cử.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu các cơ quan liên quan chú trọng một số nội dung: yêu cầu thông tin phải sôi nổi hơn, hiệu quả hơn, tăng cường niềm tin trong nhân dân đối với cuộc bầu cử; công tác tuyên truyền bầu cử phải gắn với các hoạt động thi đua yêu nước. Hình thức tuyên truyền cần tiếp tục đổi mới, phải đi vào cuộc sống,  gần gũi với các tầng lớp nhân dân, phù hợp từng địa phương, từng vùng miền, triển khai tốt cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử trên phạm vi toàn quốc;...

Để thực hiện được yêu cầu này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền toàn diện, xuyên suốt. Đối với một số kiến nghị của đại diện các cơ quan tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định ghi nhận và sẽ có phương án xin ý kiến Hội đồng bầu cử Quốc gia để hoàn thiện, triển khai trong thời gian tới./.

Lê Anh - Minh Thành