CẦN THƠ CẦN KHAI THÁC TIỀM NĂNG, LỢI THẾ LÀ HẠT NHÂN CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

17/03/2021

Chiều ngày 16/3, tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã thông báo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XV và kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11.

Các ý kiến phát biểu khẳng định, trong nhiệm kỳ qua Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tham gia thảo luận, xem xét, thông qua nhiều dự án luật sát với tình hình thực tế, thực hiện nhiều giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội có nhiều đổi mới trong mỗi kỳ họp, đặc biệt tại thời điểm xảy ra dịch COVID-19, Quốc hội đã có giải pháp ứng phó kịp thời, vẫn duy trì các kỳ họp theo luật định, mặc dù họp trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm ngân sách.

Các đại biểu đồng thời kiến nghị, thời gian tới, Quốc hội cần nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng tình với kiến nghị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây cũng chính là vấn đề mà Quốc hội đang hướng đến để tiếp tục đổi mới hiệu quả hơn, đó vừa là nhu cầu và cũng là mục đích của Quốc hội khóa XIV và nhiệm kỳ tiếp theo. Đặc biệt, Quốc hội đã diễn ra 4 kỳ họp không giấy tờ, trừ những trường hợp đặc biệt phải sử dụng giấy. Quốc hội đã luôn có sự đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực này; đang tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đóng góp ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài Chính Cần Thơ thống nhất cao với báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kì họp thứ 11, đặc biệt là kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho thành phố theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, để bảo đảm tương đồng hoặc vượt trội hơn với các thành phố trực thuộc trung ương khác trong cả nước, tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực bứt phá xây dựng Cần Thơ thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, là 1 trong 5 thành phố lớn của cả nước và là trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cần chuẩn bị, nghiên cứu từ kinh nghiệm của các thành phố đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù để xem, đối chiếu vào đó. Từ đó thấy ở mức bằng, cao hay thấp, có phù hợp với định hướng của Nghị quyết 59… để báo cáo Quốc hội khóa XV xem xét, giải quyết.

Là đại biểu Quốc hội tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng khi chứng kiến 5 năm qua thành phố đã có những bước phát triển không ngừng, là nơi giàu tiềm năng, giữ vị trí quan trọng, là vùng đồng lực của Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bối cảnh nhiệm kỳ vừa qua có nhiều biến động, đặc biệt là năm 2019 và năm 2020 đã xảy ra dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, vùng Đồng bằng song Cửu Long bị sạt lở, hạn hán xâm nhập mặn..., Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ đã nỗ lực tiếp tục đưa Cần Thơ phát triển đi lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,53% năm. Thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 97,2 triệu đồng/người/năm, tăng so 1,65 lần; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 120 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 1,63 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, những ngành, lĩnh vực có sự phát triển đồng đều, việc huy động nguồn lực xã hội hóa được phát huy…

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế đó là kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng đều, Cần Thơ chưa khai thác tiềm năng, lợi thế và chưa là trung tâm động lực của Đồng bằng sông Cửu Long... Vì vậy, lãnh đạo thành phố cần phải tìm ra điểm yếu để vượt qua, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Hạn chế tiếp theo là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, nên cũng tạo áp lực phát triển hạ tầng, nhất là giao thông tại Cần Thơ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi tổng kết Nghị quyết 45, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết quan trọng cho thấy Cần Thơ luôn đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trong vai trò là hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long; là cơ hội để chính quyền, quân và dân Cần Thơ bước vào sự phát triển mới.

Để nắm bắt thời cơ này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Cần Thơ cần tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn, dự báo bối cảnh tình hình để khai thác tiềm năng, lợi thế; triển khai thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị, tạo thống nhất cao về nhận thức và hành động. Thành phố tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng cường sự liên kết với các tỉnh trong vùng; đẩy mạnh việc gắn kết đầu tư, xúc tiến thương mại một cách thực chất về hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp.

Cần Thơ cần chú ý hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với tư cách trung tâm vùng, thành phố cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… Cùng với đó thành phố xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc, nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong Đảng bộ tỉnh.

Tại hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự ủng hộ của cử tri và nhân dân Cần Thơ đối với Đoàn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; đồng thời bày tỏ tin tưởng các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục hoàn thành tốt trọng trách được cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó.

(Theo TTXVN)