TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KT- XH: CÓ TẦM NHÌN, BƯỚC ĐI PHÙ HỢP VỚI QUYẾT TÂM CAO

20/10/2020

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Kỳ họp thứ Mười khai mạc sáng nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thì việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khoảng 2% là vô cùng đáng quý...

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Kỳ họp thứ Mười khai mạc sáng nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thì việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khoảng 2% là vô cùng đáng quý. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, vì trước mắt còn rất nhiều gian nan, thử thách. Điều này đòi hỏi chúng ta vừa có tầm nhìn, vừa có bước đi phù hợp với quyết tâm cao. Và để chuẩn bị cho năm 2021, Quốc hội sẽ quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp hợp lý trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Tăng trưởng 2% - kết quả ngoài mong đợi và vô cùng đáng quý

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Trung Thành

"Thực tế vừa qua cho thấy, khi Quốc hội không họp, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường để kịp thời xử lý những vấn đề Chính phủ trình. Công việc cần khẩn trương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhanh chóng xem xét với điều kiện, quy trình không như bình thường. Chính sự đúng đắn, quyết liệt vào cuộc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo cho Chính phủ có cơ sở chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện".

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

- Một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ Mười khai mạc sáng nay là Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới rơi vào tăng trưởng âm, thì Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng dương. Phó Chủ tịch nhìn nhận như thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng năm 2020?

- Kỳ họp thứ Mười lần này có ý nghĩa rất quan trọng với khối lượng công việc lớn. Liên quan đến lĩnh vực kinh tế có đến 11 nội dung sẽ phải báo cáo Quốc hội, tập trung thành hai nhóm công việc.

Thứ nhất, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và quyết định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Trong điều kiện kinh tế năm 2020 giảm sút, hụt thu ngân sách, chi tiêu lại phải tăng lên, Quốc hội sẽ phải xem xét quyết định có điều chỉnh tỷ lệ bội chi năm 2020 hay không?

Thứ hai, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu, gồm đánh giá tình hình KT - XH 5 năm (2016 - 2020), kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế. Quốc hội sẽ cho ý kiến, thảo luận về những định hướng lớn trong kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn tới (2021 - 2026) và kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và các chương trình mục tiêu quốc gia, làm cơ sở để Chính phủ tiếp tục chuẩn bị và hoàn thiện sau Đại hội XIII của Đảng, trình Quốc hội Khóa XV xem xét quyết định.

Về tình hình KT - XH năm 2020, có thể thấy, sau 4 năm tăng trưởng phơi phới ở mức 6 - 7%, thì đến năm nay, ngay từ tháng 1, tất cả chúng ta đều không ngờ đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tác động rất lớn đến các nền kinh tế. Có thể nói, chưa bao giờ tình hình dịch bệnh lại diễn biến nhanh, phức tạp đến vậy, như “quả bom” làm rung chuyển toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi giá trị, tạo nên sự “cấm vận” tự nhiên giữa các nền kinh tế, gây ra sự đổ vỡ hàng loạt của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp mang tính toàn cầu. Nhiều ý kiến nói rằng, kể từ sau cuộc đại khủng hoảng năm 1929 - 1933, trên thế giới chưa có cuộc khủng hoảng nào lớn như đại dịch Covid-19 lần này gây ra, làm cho kinh tế toàn cầu từ mức xác định tăng trưởng 3% lao dốc xuống mức tăng trưởng âm, có nền kinh tế còn âm 5 - 6%.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đạt được 2 mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì tốc độ tăng trưởng dương nhờ không để dịch bệnh lây lan mạnh và kiểm soát, đẩy lùi với số người mắc, tử vong do Covid-19 ở mức rất thấp, giữ được ổn định tình hình KT - XH. Hơn thế, chúng ta đã cố gắng, căng sức để trụ vững và duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức khoảng 2%. Đây có thể đánh giá là kết quả ngoài mong đợi, vô cùng đáng quý. Kết quả này được đánh giá rất cao và như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Phiên họp thứ 49 vừa qua, đó là mặc dù các chỉ tiêu cốt lõi không đạt được, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng toàn dân.

- Như Phó Chủ tịch chia sẻ, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ quyết định ngay mục tiêu phát triển KT - XH năm 2021, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế, như đề xuất của Chính phủ là khoảng 6%. Cũng có ý kiến băn khoăn, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6% có cao quá không trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay?

- Chúng ta tin tưởng rằng, để chuẩn bị cho năm 2021, Quốc hội sẽ quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp hợp lý trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Đúng là cũng có ý kiến đặt vấn đề, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy thì việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6% có cao không? Thực tế một mặt đặt ra mức tăng trưởng 6% là mục tiêu rất cao (dù thấp hơn dự kiến ban đầu Chính phủ đưa ra), đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp, giải pháp hết sức quyết liệt. Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng, nếu chúng ta không đạt được mức tăng trưởng 6% sẽ hết sức khó khăn. Bởi, các cân đối lớn của nền kinh tế, như lao động - việc làm, cán cân thương mại, thu chi ngân sách… phụ thuộc vào cân đối “xương sống” chính là tăng trưởng. Cho nên, chúng ta phải quyết tâm phấn đấu để đạt được tăng trưởng ở mức 6% mặc dù biết rằng sẽ rất khó khăn. Đây là kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 49 vừa qua.

Các dự báo đều cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường ngay. Cho nên, trong những tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, chúng ta phải hết sức cảnh giác. Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH, dự toán NSNN năm 2020, kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí quan điểm đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu nhưng ở mức vừa phải, phù hợp với bối cảnh tình hình, trong đó cũng phải chấp nhận việc chúng ta không giữ được tỷ lệ bội chi như kỳ vọng (sau năm 2020 đạt mức dưới 3,5%), mà sẽ phải xem xét nâng lên khoảng 5,1% theo cách tính GDP cũ (cách tính mới là 4%). Điều này là cần thiết nhằm tăng chi cho đầu tư, tăng chi để kích thích nền kinh tế. Do đó, chúng ta phải chấp nhận trong năm 2020 và 2021, tỷ lệ bội chi tăng và theo đó là nợ công tăng. Đồng thời, cũng phải đặt ra quyết tâm sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, chúng ta sẽ giảm dần bội chi và giữ cho được ở mức 3,5 - 3,6%, nợ công ở mức dưới 60% (theo cách tính GDP cũ).

- PV: Tại Phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ giải trình với Quốc hội về điều chỉnh GDP theo phương pháp tính mới. Phó Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Trước đây, chúng ta tính GDP theo phương pháp truyền thống. Nhưng vừa qua, Chính phủ, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phương pháp tính mới, theo đó quy mô GDP tăng thêm khoảng 25%/năm so với cách tính cũ. Với phương pháp tính mới này, mong muốn của Chính phủ là làm sao để tính GDP sát, đúng với thực tế, theo đó việc chúng ta quyết định các cân đối lớn của nền kinh tế sẽ sát hơn.

Thế nhưng, Chính phủ cần làm rõ về phương pháp tính mới này thể hiện tính khoa học ở chỗ nào, cũng giống như cách tính tỷ lệ bội chi, chúng ta chỉ tính phần trả nợ lãi thôi, còn gốc không tính - cái này không phải do chúng ta muốn giảm tỷ lệ bội chi để khoe khoang, mà chính là thông lệ quốc tế như thế.

Một Quốc hội hành động, đổi mới, luôn “chung lưng đấu cật” với Chính phủ

- Vốn là người ít khen, nếu không nói là khá khắt khe, nhưng với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT - XH sẽ trình Quốc hội tại Phiên khai mạc hôm nay, nhiều quan sát tinh ý cho thấy, lần đầu tiên thấy Phó Chủ tịch “khen”... Lý lẽ nào để báo cáo của Chính phủ lần này lại có sức thuyết phục như vậy, thưa Phó Chủ tịch?

- Tôi đúng là người rất kiệm lời khen. Tôi quan điểm, nếu không khắt khe sẽ không bảo đảm chất lượng nội dung trình ra Quốc hội. Tôi không đánh giá chất lượng báo cáo thông qua số trang, số chữ, mà quan trọng là phải sâu, “nhiều nghĩa”, phải phân tích, mổ xẻ, đánh giá tình hình một cách sát thực nhất, khoa học nhất và thẳng thắn nhất. Tôi thấy lần này, báo cáo của Chính phủ thể hiện được điều đó, từng chữ, từng câu đều rất sâu, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Riêng phần tồn tại, hạn chế, đã chiếm 1/3 số trang của báo cáo. Tâm lý thông thường chúng ta, ai cũng thích khen, không thích nghe chê, nhưng rõ ràng vấn đề ở đây là chúng ta phải biết điểm yếu của mình là gì, “biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng”.

Nhìn vào thực tế, rõ ràng, trong thời gian qua, đặc biệt là 9 tháng năm 2020, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp hết sức tích cực để giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay, cả về tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời có những đề xuất kịp thời để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quyết định đúng đắn, nhằm bảo đảm được sự ổn định, phát triển.

Một điều khá đặc biệt, đó là chính trong lúc khó khăn, chúng ta đạt được những kết quả như vậy, thì niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được nâng lên. Niềm tin này không dễ gì có!

Đương nhiên, kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, vì trước mắt chúng ta còn rất nhiều gian nan, thử thách. Điều này đòi hỏi chúng ta vừa có tầm nhìn, vừa có bước đi phù hợp với quyết tâm cao, “biết mình, biết người”, thấy được hết mặt mạnh, mặt yếu để phát huy mặt mạnh, khắc chế mặt yếu, mới có thể “trăm trận, trăm thắng”. Nếu chỉ thấy mặt mạnh mà không thấy mặt yếu, không thấy “gót chân Asin” của mình, chúng ta sẽ dễ vấp. Cho nên, điều mừng là trong báo cáo của Chính phủ lần này đã có sự nhìn nhận thẳng thắn hơn, sát thực hơn với tình hình.

- Về phần Chính phủ là vậy. Với vai trò là cơ quan giám sát, Quốc hội luôn đồng hành, hỗ trợ Chính phủ và kịp thời đưa ra quyết định đúng đắn trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Tại Kỳ họp lần này, trong bối cảnh tình hình hiện nay, vai trò của Quốc hội sẽ thể hiện như thế nào, nhất là trong các quyết định về KT - XH năm 2021, thưa Phó Chủ tịch?

- Như ghi nhận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 49 vừa qua, thì Chính phủ đã và đang có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành. Đương nhiên, để có thể vững bước, tự tin thực hiện các nhiệm vụ được giao, thì phải có “điểm tỳ” rất quan trọng, đó là pháp lý. Và cơ quan quyền lực tạo ra “điểm tỳ” pháp lý đó chính là Quốc hội. Khi Chính phủ có “điểm tỳ” vững chắc, có sự đồng thuận, có sự ủng hộ, thì “bước đi” cũng vững chắc.

- Rõ ràng, thông qua những quyết đáp kịp thời, có lẽ không quá lời khi nói rằng, thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV này, đó là một Quốc hội đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét hơn, thưa Phó Chủ tịch?

- Ở đây chúng ta có thể thấy một Quốc hội hành động, đổi mới và luôn “chung lưng đấu cật” với Chính phủ, một Quốc hội đã và luôn tạo “điểm tỳ” pháp lý vững chắc cho Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH một cách tốt nhất. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng - tôi cho rằng, đây chính là phương châm và kim chỉ nam hành động.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)