Hội thảo cấp quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào đạo Phùng Xuân Nhạ.
Cùng dự Hội thảo có Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; đại diện Đoàn ĐBQH 14 tỉnh phía Bắc; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Hội thảo được chia thành 4 phiên thảo luận chuyên đề, gồm: Tổng quan về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hợp tác xã với việc xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các tham luận và thảo luận đã đánh giá cụ thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới để xác định nhu cầu và đề ra giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2020-2025 và đến năm 2030 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 76 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; đánh giá vai trò hợp tác xã, vai trò của các trường đại học, học viện tham gia đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đối với nội dung xây dựng nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận những nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc về định hướng phát triển và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; những chia sẻ thực tế về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong đào tạo khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; phát triển mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm gắn với vai trò của hợp tác xã và bài học từ những mô hình thành công cụ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đánh giá cao việc xác định vai trò của cơ quan dân cử trong giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giám sát việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và những khuyến nghị đối với việc triển khai công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được và thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong nhận được hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đối với các địa phương, các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã, trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; khẩn trương trình Thủ tướng xem xét, quyết định công nhận, phân định các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần bố trí đủ nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đồng bộ, hiệu quả; xây dựng bộ công cụ đánh giá sự phát triển về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đánh giá, công bố các chỉ số 5 năm một lần theo nhiệm kỳ của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kịp thời phản ánh kiến nghị của cử tri, các bộ, ngành, địa phương liên quan đến những bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội…
Từ thành công của hội thảo lần này, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, sẽ tiếp tục có những hội nghị chuyên đề tổ chức tại các địa bàn Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An, Tây Hà Tĩnh, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để triển khai thực hiện cho được Chương trình mục tiêu mà Quốc hội thông qua.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao tặng 150 suất quà trị giá 250 triệu đồng hỗ trợ cán bộ bán chuyên trách các xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La.
+ Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao tặng 150 suất quà trị giá 250 triệu đồng hỗ trợ cán bộ bán chuyên trách các xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 1 năm; tặng 1 lớp học cho điểm Trường Pói Lanh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao tặng 6 tỷ đồng từ nguồn quyên góp của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành kế hoạch và đầu tư và ủng hộ của một số tổ chức, cá nhân để xóa 100 nhà tạm tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La./.