Cùng dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu dự buổi lễ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết, cách đây tròn 65 năm, ngày 21/12/1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử. Ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.
Trong 65 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia khoảng 54.850 MW, đứng thứ thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối). Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng là “đảm bảo điện đi trước một bước”. Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến nay điện đã cung cấp cho 99,52% số hộ dân của cả nước với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt 2.180kWh/người/năm.
Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, trong đó các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu tham quan Trung tâm Điều độ điện Quốc gia
Những bước tiến thần kỳ của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á... Để có được thành công này, ngành Điện lực nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011 - 2015, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN đạt 481.561 tỷ đồng (bằng 2,36 lần so với giai đoạn 2006 - 2010); giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt khoảng 482.000 tỷ đồng. Ngành Điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.
65 năm lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam cũng chính là 65 năm trường kỳ công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và xây dựng đất nước sau giải phóng miền Nam. Các thế hệ những người làm điện đã nỗ lực "giữ dòng điện như dòng máu của mình", đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975. Sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy sau giai đoạn đất nước thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế; mở ra giai đoạn mới - giai đoạn phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và hiện nay là cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động của ngành điện đã đạt được trong suốt 65 năm qua
Biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động của ngành điện đã đạt được trong suốt 65 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 10%/năm. Do vậy, yêu cầu đặt ra với ngành điện là phải đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của nhân dân. Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Để thực hiện yêu cầu này, theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm đặt ra đối với ngành điện lực, trong đó chủ đạo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hết sức nặng nề. Phó Thủ tướng yêu cầu tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng cần tiếp tục bám sát định hướng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh – sắp tới là Quy hoạch điện VIII); quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để có kế hoạch phát triển nguồn điện, mạng lưới truyền tải điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành điện cần đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý; cần nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Bên cạnh đó, ngành điện cần tập trung vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh nguy cơ hạn hán sẽ rất gay gắt. “Tôi đề nghị ngành điện khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch huy động, cung ứng điện phù hợp để vừa bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt, đồng thời tiết kiệm nước, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, nhất là ở khu vực Bắc Bộ và miền Trung" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành điện tiến tới thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa vào hoạt động thị trường bán lẻ điện từ năm 2021...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Dương Quang Thành khẳng định, Tập đoàn quán triệt sâu sắc, triển khai những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và xác định đây là trọng tâm trong hoạt động của Tập đoàn những năm tiếp theo. Tập đoàn mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành. Đồng thời cam kết sẽ nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và có trách nhiệm với cộng đồng.
* Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam./.