Thưa các quý vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Thay mặt UBTVQH, tôi thân ái chào mừng và chúc các vị đại biểu, các đồng chí, các vị khách quý tham dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Ảnh: Vũ Châu
Thưa các đồng chí,
Hội nghị của chúng ta được tổ chức trong thời điểm Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 vừa kết thúc và thành công tốt đẹp, cùng với tại phiên họp thứ 38 của UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIV. Đây là những vấn đề rất quan trọng của đất nước đòi hỏi HĐND các tỉnh, thành trong khu vực cần quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện. Trong đó, có nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương và cán bộ, công chức. Chính vì thế, tôi hoan nghênh các đồng chí đã chọn chủ đề của Hội nghị này là “Kinh nghiệm và giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”.
Thưa các đồng chí,
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND các cấp đã được ba năm. Qua theo dõi, tôi ghi nhận và đánh giá cao HĐND các cấp đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm, kết quả từ các nhiệm kỳ trước, thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp còn một số hạn chế như: Nhận thức về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị ở một số nơi chưa thật sự đầy đủ; tỷ lệ đại biểu công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước còn cao nên việc tham gia thảo luận, chất vấn chủ yếu do các vị đại biểu chuyên trách thực hiện...
Các tham luận của các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phong phú, thiết thực, có nhiều cách làm hay như: Việc chọn lựa chủ đề giám sát, các vấn đề chất vấn, coi trọng vai trò của cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền phiên chất vấn, nhất là hình thức “hỏi nhanh, trả lời gọn” của tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre; xác định vai trò trung tâm của Thường trực, các đại biểu HĐND trong thực hiện nhiệm vụ của tỉnh Kiên Giang; kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa HĐND, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt nam cùng cấp và các địa phương trong thực hiện việc TXCT của Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau… và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về công tác giám sát chuyên đề của tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, công tác chuẩn bị kỳ họp của tỉnh An Giang…
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Thưa các đồng chí,
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa phương, tôi đề nghị các đồng chí cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Một là, Thường trực HĐND cần bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ kế cận. Tham mưu với cấp ủy thực hiện tốt công tác quy hoạch nguồn tham gia Thường trực, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Đó phải là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, năng lực quyết định, giám sát, phản biện trong tình hình mới, trong đó cần coi trọng chất lượng, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý.
Thực hiện có hiệu quả “Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh” trong công tác chuẩn bị nội dung, tiến hành kỳ họp, xây dựng và thông qua các nghị quyết; triển khai nghị quyết của HĐND; giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; hoạt động giám sát, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác TXCT, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cũng như việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Hai là, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu nên mỗi đại biểu HĐND phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết của mình để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu HĐND.
Thường trực, lãnh đạo các Ban của HĐND cần tạo không khí dân chủ trong các hoạt động để đại biểu phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh của mình trong việc thực hiện hoạt động của cơ quan dân cử (như chất vấn, giải trình, giám sát, tiếp xúc cử tri... giúp các đại biểu tự tin thể hiện rõ quan điểm, chính kiến; chất vấn rõ ràng, cụ thể đi tới cùng sự việc; giải thích, trao đổi, trả lời kiến nghị của cử tri). Đồng thời, quan tâm đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu, tiếp tục chủ động phối hợp với Ban Công tác đại biểu tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Ba là, tiếp tục chủ động, sáng tạo và đổi mới hơn nữa trong hoạt động giám sát, chất vấn, nhất là hình thức giám sát chuyên đề, giám sát của Tổ đại biểu, chất vấn trong kỳ họp; bảo đảm sự tham gia tích cực của đại biểu, nhất là đại biểu không chuyên trách; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND tại các kỳ họp; nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND bảo đảm “phù hợp, có đủ nguồn lực thực hiện”; đổi mới hình thức chất vấn, giải trình tại các phiên họp, kỳ họp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu, báo cáo tại các kỳ họp, phiên giải trình; tăng cường công tác tái giám sát để bảo đảm các nghị quyết, kết luận của các phiên giám sát, chất vấn đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bốn là, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động TXCT, nhất là TXCT theo chuyên đề: Cần xác định trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp là phải thường xuyên tăng cường sâu sát cơ sở. Tiếp tục đổi mới hình thức TXCT, tiếp công dân theo hướng sâu sát, thiết thực, hiệu quả; quan tâm TXCT theo chuyên đề. Trong đó, chú trọng lựa chọn chuyên đề, xác định mục tiêu TXCT chuyên đề; chuẩn bị tốt việc tổ chức TXCT; mở rộng các đối tượng cử tri được mời tham dự các hội nghị TXCT nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Năm là, cần tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh bảo đảm tinh gọn và chất lượng. Trong điều kiện UBTVQH chưa tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580 (ở khu vực này có tỉnh Tiền Giang, tỉnh Long An đang thực hiện thí điểm), tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục thực hiện Nghị quyết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có những đề xuất, kiến nghị có giá trị từ thực tiễn với UBTVQH khi tiến hành tổng kết mô hình này. Từ đó, sẽ có đánh giá toàn diện, đề xuất mô hình Văn phòng tham mưu, giúp việc HĐND phù hợp và ổn định hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!