PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU LÀM VIỆC VỚI UBND TP. HẢI PHÒNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

02/10/2019

Sáng ngày 02/10, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì đã có cuộc làm việc với UBND thành phố Hải Phòng việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2019.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát

Cùng tham gia Đoàn giám sát có Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban, cơ quan của Quốc hội.

Hiện số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn thành phố Hải Phòng gần 500.000 em, chiếm tỷ lệ 25% tổng dân số. Báo cáo tại cuộc giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn thành phố có 118 trẻ em bị xâm hại, tăng so với giai đoạn trước đó. Thống kê cũng cho thấy, có tới 83/112 đối tượng thực hiện các hành vi xâm hại đối với trẻ em là người thân thích, thường xuyên tiếp xúc với trẻ. Đáng lưu ý, thành phố Hải Phòng là địa phương có số vụ xâm hại trẻ em tại môi trường học đường gia tăng trong thời gian gần đây với 4 vụ việc nghiêm trọng gây tâm lý lo ngại trong dư luận xã hội và cho chính phụ huynh, học sinh.

Trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 23 vụ xâm hại, số vụ việc này đều được phát hiện giải quyết kịp thời. Tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều vụ việc ở mức độ nghiêm trọng, trong đó xâm hại tình dục chiếm tỉ lệ cao nhất trong các hình thức xâm hại. Vấn nạn xâm hại tình dục đối với trẻ em không chỉ để lại hậu quả nặng nề với trẻ mà còn ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng xã hội.

Nguyên nhân được chỉ ra do nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung trong đó công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, việc đảm bảo quyền trẻ em của một bộ phận cán bộ, cha mẹ trẻ còn nhiều hạn chế. Cùng với đó sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, công nghiệp, mạng xã hội, internet với môi trường độc hại đã tác động trực tiếp tới tâm lý, hành vi của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em còn chưa cụ thể như hành vi dâm ô khác, khung hình phạt cho các tội danh xâm hại trẻ em chưa đủ sức răn đe…

Liên quan đến các vụ việc giáo viên xâm hại học sinh trên địa bàn thành phố, một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát cho rằng đây là hình thức xâm hại có tính chất nghiêm trọng, nhạy cảm và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy, đối với các vụ việc này thành phố cần có đánh giá cụ thể, chi tiết từ đó rút ra được những nguyên nhân cốt lõi để có giải pháp phòng ngừa lâu dài.

Đánh giá tích cực về công tác tuyên truyền trong phòng, chống xâm hại trẻ em của thành phố Hải Phòng, Đoàn giám sát cho rằng đây là những kết quả đáng được các địa phương học tập. Tuy vậy, việc phòng ngừa và khoanh vùng đối tượng từ đó có những biện pháp tuyên truyền hiệu quả cần được làm tốt hơn. Hải Phòng là một trong những địa phương có lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc lớn, vì vậy Đoàn giám sát chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn về người nước ngoài vi phạm pháp luật trong đó các các hành vi xâm hại trẻ em và đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố cần có những rà soát, phân loại với những đối tượng này từ đó có những giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong ngăn chặn phòng ngừa xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị thành phố Hải Phòng cần thực hiện công tác theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.

Nhận định tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng những số liệu báo cáo chưa phản ánh thực chất của tình trạng này. Vì vậy, địa phương cần rà soát kỹ, bám sát cơ sở, làm tốt công tác dân vận của các tổ chức đoàn thể để kịp thời phát hiện cũng như ngăn chặn, phòng ngừa các vụ việc xâm hại đối với trẻ em./.

Nguyễn Tùng - Sỹ Cường