PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN CHÚ TRỌNG ĐỔI MỚI VỀ NHẬN THỨC, HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI

27/02/2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo về đổi mới công tác Dân nguyện của Quốc hội sáng 27/02, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội” yêu cần cần đổi mới về nhận thức, hoàn thiện pháp luật về công tác dân nguyện của Quốc hội, từ đó mới hoàn thiện bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động…

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ HỘI THẢO VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo.

Sáng 27/02, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân nguyện của Quốc hội" tổ chức Hội thảo về Đổi mới công tác Dân nguyện của Quốc hội. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cho biết, thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, trong thời gian tới, đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo.

Năm 2023, Ban Dân nguyện đã tham mưu, đề xuất Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả  công tác dân nguyện của Quốc hội”.

Trên cơ sở thực tiễn công tác dân nguyện, đặc biệt là thực tiễn hoạt động, kết quả tích cực của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, và khóa XV, Đề án sẽ nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật để triển khai thực hiện sớm nhất. Mục tiêu là nghiên cứu, xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác dân nguyện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Để đảm bảo, chất lượng, nội dung dự thảo Đề án, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, các nhà khoa học thông qua các bài viết, tham luận và đặc biệt là các trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo, góp phần hoàn thiện thêm Đề án “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả  công tác dân nguyện của Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về mô hình cơ quan chuyên trách thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam trong tình hình mới. Đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội góp phần bảo vệ quyền con người theo yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác dân nguyện của cơ quan dân cử, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân - thực trạng và giải pháp. Những vấn đề cần quan tâm khi tiếp xúc cử tri tại địa bàn miền núi và tiếp xúc cử tri người dân tộc. Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp của Ủy ban Tư pháp, thực trạng và kiến nghị. Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết những vấn đề nóng, những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cho biết, ngày 06/4/2023, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1615-NQ/ĐĐQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân nguyện của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án kết luận Hội thảo.

Đề án nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động Dân nguyện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, góp phần khẳng định vai trò của Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân dân.

Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác Dân nguyện; đổi mới phương thức làm việc, đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đổi mới công tác phối hợp giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện công tác Dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới…

Nhấn mạnh Đề án là một nhánh của công tác dân nguyện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, hội thảo là bước thứ hai của kế hoạch, nhằm thu nhận ý kiến từ các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề cương sơ bộ của Đề án.

Sau hội thảo hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục xin ý kiến về lý luận, thực tiễn để làm rõ khái niệm, bản chất, vai trò công tác dân nguyện của Quốc hội. Đánh giá thực trạng pháp luật về công tác dân nguyện nói chung của Nhà nước, trong đó, trọng tâm là công tác dân nguyện của Quốc hội. Làm rõ thực trạng hoạt động công tác dân nguyện thời gian qua, nhất là kinh nghiệm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII, Khóa XIV, thực tế công tác dân nguyện từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV để làm rõ kết quả đạt được khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động công tác dân nguyện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tổ chức, hoạt động của Ban Dân nguyện, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu đề xuất giải pháp cơ bản để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, chú trọng 4 nhóm giải pháp như: đổi mới về nhận thức, hoàn thiện pháp luật về công tác dân nguyện của Quốc hội, từ đó mới hoàn thiện bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về mô hình cơ quan chuyên trách thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam trong tình hình mới. Đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội góp phần bảo vệ quyền con người theo yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. 

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày tham luận về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác dân nguyện của cơ quan dân cử, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng ban Chỉ đạo Đề án kết luận Hội thảo.

Trọng Quỳnh - Minh Hùng