TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TẠI HÀ NỘI

19/12/2019

Ngày 19/12, Đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015-2019 do Trưởng ban Dân Nguyễn Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn giám sát, đã tổ chức khảo sát tại Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc Cục trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH về công tác tiếp nhận, xử lý thông tin và hỗ trợ can thiệp phòng chống xâm hại trẻ em.

Đoàn giám sát làm việc với Cục Trẻ em

Tại buổi làm việc, đại diện Cục trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là đầu số duy nhất trên cả nước có chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ can thiệp đối với các trường hợp xâm hại trẻ em. Hiện tại tổng đài hoạt động 24/24h tất cả các ngày trong tuần và cước các cuộc gọi là hoàn toàn miễn phí. Tổng đài 111 có 1 tổng đài Trung ương tại Hà Nội, 2 Tổng đài vùng  tại Nam trung bộ Tây Nguyên và tổng đài vùng tại Đông Nam Bộ - Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số 32 nhân viên, chủ yếu là nhân viên tư vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ.

Để tăng cường hiệu quả hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, Tổng đài 111 đã thành lập mạng lưới kết nối với 63 tỉnh thành tổ chức tập huấn cho các thành viên mạng lưới kết nối, đội ngũ cộng tác viên đa dạng với nhiều tiếng dân tộc như H’Mông, Tày, Nùng, Dao…đặc biệt có cộng tác viên tiếng anh hỗ trợ trẻ em có yếu tố nước ngoài.

Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019 Tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 2 triệu cuộc gọi đến, tư vấn cho trên 133.000 ca và hỗ trợ can thiệp cho gần 3.000 ca. Các thống kê cho thấy, trẻ em gọi  điện chiếm 35,5%; cha mẹ người chăm sóc trẻ chiếm 20%; người dân quan tâm đến các vấn đề của trẻ em chiếm 32,3%. Cán bộ xã hội chiến 10,8%. Đối tượng khác 0,7%.  Trong 5 năm từ 2015-2019 số lượng các ca được hỗ trợ, can thiệp gia tăng theo từng năm trong dó chủ yếu là các vụ việc liên quan đến bạo lực và xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc 

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông, Tổng đài 111, làm rõ các vấn đề liên quan như các hình thức tiếp nhận thông tin như thời gian qua đã thực sự hiệu quả đảm bảo tính nhanh, liên tục và tôn trọng đời tư, danh tính của trẻ, người gọi đến. Bên cạnh đó, qua số liệu của Trung tâm cho thấy trung bình 1 ngày Tổng đài tiếp nhận gần 120 cuộc gọi, vì vậy Đoàn khảo sát đề nghị làm rõ về chuyên môn của đội ngũ tư vấn viên cũng như công tác phân loại các vụ việc tiếp nhận từ đó chuyển tiếp tới các cơ quan chức năng hoặc đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời.

Quan tâm tới mức độ lan tòa của đầu số 111 trong cộng đồng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Đoàn khảo sát cho rằng công tác truyền thông về Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em cần được tăng cường sâu rộng hơn nữa.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trao đổi bên lề buổi làm việc

Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát của Quôc hội đã tới thăm và khảo sát thực tế tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em.

Đây là cơ sở giáo dục công lập với tổng số 363 học sinh, 12 lớp học và 34 cán bộ, giáo viên nhân viên. Tại một số lớp học, các thành viên đoàn đã phát phiếu khảo sát để đánh giá về mức độ nhận thức, hiểu biết của các em học sinh về xâm hại trẻ em, đồng thời đặt nhiều câu hỏi đối với nhóm học sinh các lớp 6,7,8,9 như thế nào là xâm hại trẻ em, học sinh hiểu thế nào về xâm hại trẻ em, xâm hại trẻ em được thực hiện bởi các hình thức nào hay khi các em học sinh bị xâm hại thì sẽ xử lý thế nào… Thực tế cho thấy, mức độ nhận thức và hiểu biết của học sinh về xâm hại trẻ em chưa đồng đều và chưa đầy đủ, nhiều học sinh còn thiếu tự tin trong giao tiếp hay bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề được Đoàn đặt ra. Phổ biến tình trạng học sinh chưa biết đến đầu số Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, việc sử dụng mạng xã hội, internet an toàn chưa nhiều trẻ có kỹ năng.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khảo sát thực tế tại huyện Đan Phượng, Tp.Hà Nội

Làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn giám sát đánh giá tích cực khi nhà trường đã xây dựng được môi trường an toàn, thân thiện, cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Đối với công tác phòng chống xâm hại trẻ em, mặc dù nhà trường chưa để xảy ra vụ việc đáng tiếc nào nhưng đoàn giám sát đề nghị trường cần tích cực tuyên truyền, trang bị các kiển phức vè phòng chống xâm hại cho các khối học sinh. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị nhà trường lưu ý truyền truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên về Nghị quyết 06 của Hội đồng Thẩm phán tối cao mới ban hành vào tháng 10/2019 với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các hành vi xâm hại trẻ em đặc biệt là người dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị nhà trường tăng cường phổ biến các kiến thức về sử dụng mạng xã hội, internet an toàn, nghiên cứu và có phương án đưa giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em vào như một môn học chính thức.

Đoàn khảo sát cũng đã tới thăm và nói chuyện, phát phiếu khảo sát cho một số nhóm học sinh thuộc trường Tiểu học cơ sở Tân Hội B, huyện Đan Phương. Làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn cho rằng đối với nhóm học sinh tiểu học, đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao khi nhận thức và kỹ năng còn hạn chế, vì vậy nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giáo dục, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại cũng như xây dựng môi trường an toàn, thân thiện đối với trẻ.

Trần Tiến

Các bài viết khác