GIỚI THIỆU KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG CƠ BẢN CHO ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV TRÚNG CỬ LẦN ĐẦU

08/10/2021

Tại Hội nghị “Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho ĐBQH khóa XV trúng cử lần đầu” do Ban Công tác đại biểu tổ chức vào ngày 08/10, các đại biểu tập trung nghe, thảo luận nội dung ba chuyên đề: về thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; về kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận và kỹ năng tiếp xúc, trả lời với phỏng vấn báo chí; về Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về Ngân sách Nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị “Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa; cùng hơn 50 đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu là Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó trưởng Ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Kiểm toán Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu là yêu cầu quan trọng, thường xuyên

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra dân chủ, đúng luật, bảo đảm an toàn và thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân tộc. Với số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước tới nay (99,60%), Quốc hội đã bầu được 499 Đại biệu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu Hội đồng dân nhân 3 cấp, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Có gần 300/499 đại biểu Quốc hội là lần đầu trúng cử, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, việc tổ chức Hội nghị giới thiệu những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhằm cung cấp hành trang ban đầu để đại biểu Quốc hội thực hiện đúng, đủ, tròn, chính xác nhiệm vụ của người đại biểu, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân là việc làm cần thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ hoạt động trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, là nhiệm kỳ Quốc hội khởi đầu của giai đoạn phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để thực hiện được đầy đủ, toàn diện vai trò, trách nhiệm Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tập trung một số nội dung như sau:

Thứ nhất, cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Thứ hai, có 04 khâu cần được quan tâm, tiếp tục đổi mới đột phá, đó là (1) kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề. (3) Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia. (4) Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, vai trò, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tôi muốn nhấn mạnh thêm là, tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và sự mong đợi của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu là yêu cầu quan trọng, thường xuyên, thông qua trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá cao sự cố gắng của Ban Công tác đại biểu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương, hoan nghênh các báo cáo viên đã chuẩn bị các bài viết, bài trình bày đáp ứng nhu cầu của đại biểu Quốc hội, đồng thời đề nghị các đại biểu chú ý lắng nghe nội dung các báo cáo viên trình bày và tích cực chia sẻ, thảo luận về các nội dung có liên quan.

Xây dựng khung chương trình, đặc biệt quan tâm đến đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đại biểu Quốc hội là chủ thể trung tâm hoạt động của Quốc hội, Quốc hội có thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng theo Hiến pháp hay không phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực và kỹ năng hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Nhận thức được điều này, trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, Ban Công tác đại biểu, trực tiếp là Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã ngày càng đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức, cách thức tổ chức bồi dưỡng, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội các khóa. Theo tinh thần đó, được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã xây dựng khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó đặc biệt quan tâm đến đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Ban Công tác đại biểu chưa tổ chức trực tiếp các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho tất cả các đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu. Tuy nhiên trước khi tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Ban Công tác đại biểu đã biên soạn 2 tài liệu quan trọng là: (1) Những điều cần biết đối với đại biểu Quốc hội khóa XV về hoạt động Quốc hội, (2) sổ tay hướng dẫn kỹ năng cho đại biểu Quốc hội để đáp ứng được các yêu cầu cho đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu và tham gia tích cực hoạt động của Quốc hội ngay từ kỳ họp đầu tiên.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh, các lớp bồi dưỡng như vậy cần có sự tương tác giữa các giảng viên với các đại biểu Quốc hội, hoặc dưới sự  hướng dẫn của các giảng viên, các đại biểu Quốc hội có sự tương tác với nhau. Qua đó cho thấy thực hành là một phần quan trọng của các lớp tập huấn, bồi dưỡng này. Cho rằng nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và lâu dài, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị có thể kết hợp tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để các đại biểu Quốc hội ở các tình phía Nam cũng có thể tham dự.

Nhận thấy việc khó nhất đối với các đại biểu Quốc hội chính là tham gia góp ý chất lượng để hoàn thiện các dự án luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Ban đã chọn chuyên đề về thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh. Ngoài ra, vấn đề thảo luận, tranh luận tại tổ, tại hội trường làm sao ngắn gọn, chất lượng cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây là kỹ năng rất quan trọng đối với mỗi đại biểu Quốc hội, do vậy Ban Công tác đại biểu đã chọn nội dung chuyên đề 2 là kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận và kỹ năng tiếp xúc, trả lời với báo chí tại hội trường.

Cho rằng thảo luận về tài chính, ngân sách là nội dung có ít ý kiến đóng góp nhất và đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã lựa chọn nội dung chuyên đề 3 là Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về Ngân sách Nhà nước, qua đó giúp các đại biểu Quốc hội có thể khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán để phục vụ việc thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW hoặc tham gia đóng góp ý kiến về kinh tế, tài chính, ngân sách của Quốc hội.

Nội dung 3 nhóm chuyên đề quan trọng đối với các đại biểu Quốc hội

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII trình bày chuyên đề về thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh. GS.TS Phan Trung Lý cho biết, hoạt động thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là khâu quan trọng bảo đảm chất lượng và hiệu quả của hoạt động của Quốc hội. Để góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thời gian qua, hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban đã từng bước được cải tiến đổi mới. Hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội bao gồm các hoạt động thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết và các báo cáo dự án khác.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập trung đề cập đến 3 nội dung chính:

(1) Thẩm tra và quy định của pháp luật về hoạt động thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh;

(2) Tăng cường kỹ năng tham gia hoạt động thẩm tra của đại biểu Quốc hội;

(3) Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Hội nghị cũng nghe TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội trình bày chuyên đề về kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận và kỹ năng tiếp xúc, trả lời với báo chí tại hội trường. TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận theo 5 bước: (i) Nghiên cứu báo cáo, dự thảo Luật, nghị quyết của Quốc hội; (ii) Tìm hiểu phân tích thông tin; (iii) Xác định phát hiện vấn đề; cách chọn lọc vấn đề phát biểu; (iv) Kết cấu của bài phát biểu; sử dụng các luận cứ, luận chứng trong vấn đề; (v) Kỹ năng của người phát biểu, tranh luận xây dựng hình ảnh chính khách và vấn đề lưu ý khi tranh luận. Có ba điểm chính để được đánh giá kỹ năng, gồm "nội dung", "phương pháp" và "thái độ". Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội mong muốn, các đại biểu Quốc hội cần lưu ý 6 vấn đề khi phát biểu: cần chuẩn bị chu đáo bài thuyết trình nhưng không nên đọc y nguyên như vậy; tiếp xúc bằng ánh mắt; Giọng nói: Sử dụng âm lượng, cao độ và tốc độ để nhấn mạnh những điểm quan trọng trong bài thuyết trình; Cử chỉ: tạo những điệu bộ bằng tay với sự tự tin; Sử dụng từ ngữ hợp lý.

Đối với các đai biểu Quôc hội mới, TS.Bùi Sỹ Lợi cung cấp những kiến thức, một số kỹ năng cơ bản khi tiếp xúc và trả lời với báo chí nhằm giúp các đại biểu Quốc hội tự tin tiếp xúc với phóng viên báo chí và chủ động sử dụng sức mạnh của báo chí giúp dư luận, cộng đồng xã hội hiểu rõ, hiểu đúng về hoạt động của Quốc hội, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của của đất nước, xây dựng hình ảnh của đại biểu Quốc hội trước cử tri và công chúng. Các kỹ năng mà TS. Bùi Sỹ Lợi đề cập bao gồm: Xác định đối tượng quan tâm của báo chí; Kỹ năng trả lời phỏng vấn; kỹ năng ứng xử với phóng viên báo chí; Xử lý một số tình huống cụ thể khi tiếp xúc với báo chí; Một số điều cần lưu ý và cần tránh khi tiếp xúc với báo chí.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày chuyên đề về Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về Ngân sách Nhà nước

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày chuyên đề về Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về Ngân sách Nhà nước. Trình bày về nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tập trung đền cập đến 5 vấn đề chính: (1) Tổng quan về Kiểm toán Nhà nước; (2) Quy trình quản lý ngân sách Nhà nước; (3) Trình ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương; (4) Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm; (5) Khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán để phục vụ việc thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN.

Để nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các Đại biểu Quốc hội đối với kết quả kiểm toán của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đề nghị cần thiết phải có sự quan tâm nghiên cứu, hiểu rõ của các Đại biểu Quốc hội về Báo cáo kiểm toán, Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hàng năm của KTNN để có thể sử dụng triệt để, đúng mức kết quả kiểm toán, từ đó có thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định về vấn đề NSNN. Thông tin về tình hình NSNN rất nhiều, rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đề nghị, trong mỗi kỳ họp, các đại biểu nên lựa chọn những vấn đề, những thông tin thiết thực, trọng yếu vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp những vấn đề kinh tế - tài chính mà Quốc hội và cử tri quan tâm… Nhưng quan trọng hơn cả, KTNN phải khắc phục được những hạn chế trong hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các Đại biểu Quốc hội. Cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) hàng năm và trung hạn cần tiếp tục định hướng kiểm toán việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng trong quản lý tài chính công, tài sản công phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thứ hai, luôn tuân thủ nguyên tắc hoạt động của KTNN là “Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”. Đây là những vấn đề cốt lõi và xương sống của hoạt động kiểm toán.

Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ của KTNN về tham gia, trình ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW. Đồng thời nghiên cứu và xây dựng quy định chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN có liên quan tới kiểm toán dự toán NSNN; Thực hiện các giải pháp liên quan đến tổ chức bộ máy và phát triển nhân sự; Đổi mới về tổ chức thực hiện của KTNN.

Thứ tư, nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua việc thực hiện các nội dung trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra, nội dung 3 nhóm chuyên đề quan trọng, thiết thực, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu, đạt được yêu cầu, mục đích của lớp tập huấn, bồi dưỡng đã đề ra.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng gửi lời cảm ơn tới các giảng viên tham gia trình bày các nhóm chuyên đề rất trách nhiệm, tâm huyết, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và thành phố Hà Nội. Với tinh thần nhất trí cao của lớp bồi dưỡng kiến thức này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức và mở các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đa dạng hơn, phong phú hơn cho các đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.

Bích Ngọc - Minh Thành