Phiên họp thứ 47 của UBTVQH

08/03/2007

* Dự thảo Luật Hóa chất: Cần quản lý được hai vấn đề cốt lõi là sản xuất kinh doanh và an toàn trong lĩnh vực hóa chất * Dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu: QH quyết định chủ trương đầu tư nên phải biết đồng vốn được sử dụng như thế nào

Ngày 6.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Hoá chất; Nghe và cho ý kiến về dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự thảo Luật Hóa chất gồm 12 chương, 63 điều, quy định về hoạt động hóa chất bao gồm quy hoạch công nghiệp hóa chất, kinh doanh hóa chất, khai báo, đăng ký hóa chất; Phân loại đóng gói, ghi nhãn hoá chất, phiếu an toàn hoá chất; Sử dụng hóa chất; Báo cáo, cung cấp thông tin, an toàn trong hoạt động hoá chất và các hoạt động khác có liên quan.

Kể từ khi quy định quốc gia về quản lý hàng hóa và vật liệu nguy hiểm được ban hành năm 1970, nhiều văn bản pháp quy ở các cấp khác nhau về quản lý hóa chất nói chung và an toàn hoá chất nói riêng đã được xây dựng, ban hành. Tuy nhiên, các quy định pháp lý về quản lý hóa chất chưa toàn diện, chưa có hệ thống và tính pháp lý chưa cao, còn rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và còn chồng chéo. Do vậy, hoạt động hoá chất trong thời gian qua chưa được kiểm soát và đã xảy ra một số sự cố làm thiệt hại tài sản xã hội, tác động xấu đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Hoá chất là cần thiết.

Nhận định chung của các thành viên UBTVQH là dự thảo Luật Hóa chất được chuẩn bị khá kỹ càng, chất lượng và có thể trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phạm vi điều chỉnh của Luật ở mức độ nào: Chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo đảm an toàn trong sử dụng hoá chất hay mở rộng ra đối với tất cả các khâu như quy hoạch- sản xuất - kinh doanh? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Các hoạt động trong lĩnh vực hoá chất là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do vậy, cần quản lý chặt chẽ và trong đó phải quản lý được hai vấn đề cốt lõi là sản xuất – kinh doanh và bảo đảm an toàn trong lĩnh vực hoá chất. Vì lý do đó, phạm vi điều chỉnh không nên chỉ gói gọn trong việc bảo đảm an toàn trong sử dụng hoá chất. Đây cũng là ý kiến của đa số các ĐB. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, việc quản lý hoá chất còn rất lỏng lẻo, thậm chí đã xảy ra các vụ thất thoát chất phóng xạ nên việc thắt chặt quản lý là hết sức cần thiết - Chủ nhiệm VP QH Bùi Ngọc Thanh kiến nghị. PCT Nguyễn Văn Yểu cũng cho rằng, bảo đảm an toàn trong quản lý, sử dụng hoá chất là rất quan trọng nên đã xây dựng luật thì phải bao quát được toàn bộ mọi vấn đề chứ không chỉ riêng về an toàn trong sử dụng hóa chất.

Một vấn đề khác cũng được các ĐB tập trung cho ý kiến đó là việc khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực hóa chất (Chương XI). Lĩnh vực hoá chất có những đặc thù rất riêng nếu xảy ra khiếu nại, tố cáo cũng như xử lý các vi phạm, nhưng trong dự thảo Luật lại chưa nêu bật được vấn đề này. PCT Trương Quang Được cho rằng, về nguyên tắc chung, việc giải quyết khiếu nại tố cáo phải tuân thủ theo Luật Khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hoá chất phải quy định rõ ràng, không nên quá chung chung dễ dẫn đến tình trạng khi xảy ra vụ việc không có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Hơn nữa, những sai phạm trong lĩnh vực hoá chất đôi khi không gây hậu quả ngay lập tức mà phải 10 – 20 năm sau mới thấy được hậu quả. Theo Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình thì cần quy định cụ thể để có chỗ cho QH gõ khi xảy ra các vụ việc.

Đối với dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu, tại kỳ họp thứ 2, QH Khoá X, QH đã thông qua Nghị quyết số 06/1997/QH10 về chủ trương đầu tư dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu gồm 15 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư khoảng 6,095 tỷ USD. Báo cáo của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường cho thấy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết của QH về công trình quan trọng quốc gia, dự án Khí - Điện - Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành. Đã có 8/15 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2/15 dự án đã triển khai nhưng chưa hoàn chỉnh, và 5/15 dự án chưa triển khai. Các dự án thành phần sau khi hoàn thành và đi vào vận hành đã đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước, nhất là trong việc bảo đảm cung ứng năng lượng điện và phân bón phục vụ các lĩnh vực sản xuất và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân. Do vậy, Chính phủ kiến nghị QH công nhận hoàn thành công trình quan trọng quốc gia với 9 dự án thành phần và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành công tác thanh toán, quyết toán công trình theo quy định và chỉ đạo các chủ đầu tư bảo đảm vận hành công trình an toàn hiệu quả; Cho phép tách hai dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 1200MW và chuyển đổi nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí ra khỏi công trình trọng điểm quốc gia; Cho phép dừng 4 dự án vì không có hiệu quả kinh tế và giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

 Về cơ bản, UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc kết thúc dự án Khí - Điện – Đạm Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cần phải điều chỉnh một số vấn đề như: Đề nghị QH công nhận hoàn thành công trình quan trọng quốc gia. Theo Nghị quyết 05/1997/QH10 và Nghị quyết 66/2006/QH11 đều không quy định QH công nhận hoàn thành công trình quan trọng quốc gia. Do vậy, điều này cần được xem xét lại theo hướng QH chỉ điều chỉnh  lại dự án theo đề nghị của Chính phủ chứ không công nhận hoàn thành công trình quan trọng quốc gia. Đối với việc thực hiện quyết toán toàn bộ công trình báo cáo QH như đề xuất tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường, tham gia phát biểu, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho rằng, yêu cầu trên không còn phù hợp với thực tế vì trong mỗi dự án lại gồm nhiều dự án thành phần và khi thực hiện xong dự án, các chủ đầu tư đã thực hiện quyết toán xong. Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đề nghị không cần thiết phải thực hiện yêu cầu trên. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu lại không tán thành và cho rằng, việc báo cáo tổng quyết toán của dự án với QH là cần thiết, còn báo cáo đến đâu, báo cáo như thế nào là chuyện khác, vì QH quyết định chủ trương đầu tư nên phải biết được đồng vốn đã được thực hiện như thế nào. PCT Trương Quang Được cũng tán thành với ý kiến này, đồng thời đề nghị Chính phủ cần làm rõ những dự án chưa triển khai nếu tiếp tục triển khai thực hiện thì hiệu quả sẽ như thế nào và nếu triển khai mà không hiệu quả thì phải kiên quyết dừng lại.

 

Mậu Thịnh

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)