Lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

31/03/2025

Chiều 31/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Công tác đại biểu Trần Văn Lâm đồng chủ trì Hội thảo.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

Toàn cảnh Hội thảo

Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang…; đại diện Sở Nội vụ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Công tác đại biểu, Vụ Dân nguyện và Giám sát.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là vấn đề về tổ chức bộ máy, trong đó có việc đề xuất sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mà Ủy ban Công tác đại biểu là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chủ trì nghiên cứu soạn thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu khai mạc Hội thảo

“Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo này nhằm lấy ý kiến góp ý của các tỉnh, thành phố là những đồng chí có kinh nghiệm và am hiểu về công tác bầu cử. Đây là hội nghị thứ ba chúng tôi tổ chức, sau 2 hội nghị tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, Ủy ban dự kiến sửa đổi, bổ sung 57-58/98 Điều và đề xuất xác định tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)”. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới (tháng 5/2025).

Nhấn mạnh đây là đạo luật quan trọng quy định về quyền bầu cử, ứng cử, là một trong các quyền chính trị cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, những nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là điều chỉnh đơn vị hành chính ở địa phương và việc rút ngắn thời gian thực hiện một số quy trình, thủ tục bầu cử nên có tác động lớn đến các cơ quan tham gia tổ chức bầu cử ở cả Trung ương và địa phương. Do đó, việc sửa đổi Luật cần phải đảm bảo bám sát định hướng của Đảng, các nguyên tắc pháp lý, tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bám sát, thể chế hóa các nội dung theo quy định Hiến pháp sửa đổi, bổ sung và bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ.

Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định sự cần thiết phải tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo sự đồng thuận để từ đó lựa chọn được phương án chính sách phù hợp và có tính khả thi.

Đối với những vấn đề dự kiến đổi mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh trước khi bổ sung vào dự án Luật này để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031, góp phần lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho nhân dân.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Công tác đại biểu Trần Văn Lâm điều hành nội dung thảo luận

Ủy ban Công tác đại biểu dự kiến đề xuất sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm một số nội dung cơ bản như sau:

(1) Dự kiến sửa đổi 27 điều liên quan đến nội dung không tổ chức cấp huyện, theo đó không quy định các nội dung liên quan đến cấp huyện như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện… Bên cạnh đó, Ủy ban Công tác đại biểu đề xuất điều chỉnh một số quy định liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện.

(2) Sửa đổi 22 điều liên quan đến các quy định rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đặc biệt từ thời điểm nộp hồ sơ ứng cử (sau ngày kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất) đến ngày bầu cử còn 42 ngày (rút ngắn 28 ngày so với Luật hiện hành đang quy định thời gian từ khi nộp hồ sơ đến ngày bầu cử là 70 ngày).

Bên cạnh đó, giảm thời gian công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội từ 20 ngày xuống 10 ngày sau bầu cử như đối với thời gian công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…

(3) Dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ kết hợp sửa đổi, bổ sung 06 điều, khoản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động trong 02 cuộc bầu cử gần đây có phát sinh vướng mắc, bất cập và sửa 02 điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, từ dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung chính sau:

Thứ nhất, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, đặc biệt là việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở (bao gồm xã, phường, đặc khu), các đại biểu cho ý kiến về việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện. Cụ thể, việc không tổ chức cấp huyện cần nghiên cứu điều chỉnh một số quy định sau:

(1) Luật hiện hành quy định việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn (khoản 4 Điều 11). Khi không tổ chức Ủy ban nhân dân cấp huyện thì việc này hoặc sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn trên cơ sở đề nghị của cấp cơ sở (phương án 1) hoặc sửa đổi theo hướng Ủy ban nhân dân cấp cơ sở quyết định (phương án 2) để cấp cơ sở có thể chủ động bởi vì số lượng cấp cơ sở sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ tăng lên nên việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sẽ mang tính hình thức.

(2) Quy định số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp cơ sở dự kiến “từ chín đến mười lăm thành viên” thay cho “từ chín đến mười một thành viên” như quy định hiện hành do quy mô bầu cử ở cấp cơ sở sau này sẽ tăng lên (khoản 2 Điều 22).

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tham gia góp ý tại Hội thảo

(3) Bổ sung quy định 03 hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể tổ chức theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến (các điều 39, 44, 49).

(4) Sửa quy định chuyển tiếp (Điều 96) để quy định đối với những nơi hiện đang không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thì thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực Hội đồng nhân dân cấp cơ sở trong công tác tổ chức bầu cử tại phường trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân phường.

Thứ hai, về việc quy định nhằm rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đặc biệt từ thời điểm nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử. Các ý kiến góp ý về quy định rút ngắn thời gian như dự thảo Luật đã nêu ở trên đã hợp lý chưa, có đề xuất thêm gì mới so với dự thảo Luật đang đề xuất?

Liên quan vấn đề này, hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tới đây sẽ sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQVN, mà quy trình hiệp thương 3 vòng do MTTQVN tổ chức. Theo đó, các địa phương cũng cho ý kiến về việc cải tiến quy trình, thủ tục bầu cử này.

Thứ ba, các đại biểu góp ý liên quan đến việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai ở Trung ương (Điều 38 và Điều 43), phân tích ưu điểm, hạn chế của từng phương án để lựa chọn phương án tối ưu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu kết luận Hội thảo

Theo đó, Ủy ban Công tác đại biểu hiện đề xuất 02 phương án: Phương án 01 giữ nguyên như Luật hiện hành tức là Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN sẽ tổ chức; Phương án 02 là Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN sẽ tổ chức các hội nghị này để quy trình thủ tục được nhanh gọn hơn mà vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện dân chủ. Riêng hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương vẫn do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để bảo đảm chặt chẽ và kế thừa Luật hiện hành.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến thêm về thời gian bỏ phiếu (khoản 1 Điều 71) để bảo đảm phù hợp thực tiễn ở các đơn vị bầu cử.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Hội thảo đã có 16 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật của Ban soạn thảo.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe, ghi chép đầy đủ các ý kiến để nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Để sau khi Luật Bầu cử được ban hành, Luật sẽ bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai, thực hiện, phù hợp thực tế, phục vụ cuộc bầu cử sắp tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu khai mạc Hội thảo

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Công tác đại biểu Trần Văn Lâm điều hành nội dung thảo luận

Trưởng Ban Pháp chế HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương phát biểu

Ông Đinh Hữu Học - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn phát biểu

Ông Chá A Của - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La góp ý tại Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Triển - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh

Bà Trần Thị Tuyết Hương - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên

Bà Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên

Ông Nguyễn Linh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Các đại biểu tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu kết luận Hội thảo

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh