Xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm xử lý hóa chất không đạt chuẩn sau khi lưu thông trên thị trường

25/03/2025

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH hoạt động chuyên trách đề nghị xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm thu hồi, xử lý hóa chất bị cấm, hóa chất không đạt chuẩn sau khi lưu thông trên thị trường; hóa chất tồn dư, tồn trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh bị thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép kinh doanh hóa chất.

Nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hóa chất

Tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, sử dụng hóa chất độc hại và nguy hiểm

Thực hiện Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, sáng 25/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách xây dựng Luật và Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 8 Chương, 50 Điều, giảm 39 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các ĐBQH chuyên trách đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và hóa chất cấm; quản lý hóa chất mới; phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất…

Làm rõ khái niệm hóa chất cần kiểm soát đặc biệt

Đóng góp ý kiến về hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và hóa chất cấm, đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hải Phòng cho rằng, chương III (sản xuất, kinh doanh hóa chất) của Luật Hóa chất quy định 3 loại danh mục hóa chất (bao gồm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh và hóa chất cấm). Các loại hóa chất thuộc các danh mục này đều cần được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cấp giấy chứng nhận để đảm bảo quá trình hoạt động hóa chất hợp pháp. Tuy nhiên, chương III (Quản lý hoạt động hóa chất) của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) là nội dung thay thế tương đương, đồng thời đưa ra 3 khái niệm về hóa chất: hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và hóa chất cấm.

Đại biểu Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ khái niệm hóa chất cần kiểm soát đặc biệt này có phải thuộc danh mục hóa chất hạn chế đã được quy định trong Luật hiện hành không. Vì hiện nay, giấy chứng nhận sản xuất và kinh doanh hóa chất hạn chế đã được cấp có hiệu lực, nếu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt là chủng loại khác thì các doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục xin cấp phép giấy phép mới từ đầu, có thể gây gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời đề nghị bổ sung giải thích các từ ngữ: hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm vào Điều 2 cho đầy đủ hơn.

Ngoài ra, cũng tại Chương III (Quản lý hoạt động hóa chất) của dự thảo Luật quy định về thời hạn cấp phép cho các hoạt động đối với hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt đều là 05 năm từ ngày được cấp, so sánh tương ứng với Luật Hóa chất hiện hành thì thời hạn giấy phép là không xác định thời hạn, đồng thời trong Luật Hóa chất hiện hành và văn bản hướng dẫn cũng quy định rõ khi có thay đổi về địa điểm cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất; loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh... thì cần phải xin điều chỉnh lại giấy phép.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, việc sửa đổi như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp vì thủ tục cấp phép thường rất tiêu tốn thời gian qua nhiều bước thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, đặc biệt với các doanh nghiệp có nhiều địa chỉ cơ sở hoạt động hóa chất trên toàn quốc, đòi hỏi cơ quan chuyên môn của các địa phương phối hợp cùng với cơ quan quản lý của địa phương đặt trụ sở chính tiến hành thẩm định qua nhiều vòng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra năng lực, sự tuân thủ của doanh nghiệp theo giấy phép đã cấp hiện nay vẫn được định kỳ hằng năm kiểm soát bởi cơ quan chức năng theo yêu cầu báo cáo giám sát định kỳ, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành định kỳ hằng năm qua hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có phát hiện sai phạm trong hoạt động để kịp thời xử lý vi phạm hành chính (bao gồm cả tước giấy phép, đình chỉ hoạt động).

Do vậy, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị giữ nguyên quy định giấy phép không có thời hạn như trong Luật Hóa chất hoặc nếu có thì thời hạn nên để dài hơn (10 năm như quy định về Giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường).

Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong quá trình phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Đề cập về quản lý hoá chất mới, đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang cho rằng, trong dự thảo Luật quy định yêu cầu báo cáo hằng năm trong thời hạn 05 năm sau khi đăng ký hoá chất mới. Tuy nhiên, dự thảo Luật không đề cập đến hậu quả nếu doanh nghiệp không tuân thủ quy định luật, hiệu lực thực thi trên thực tế. Để Luật đảm bảo tính nghiêm minh, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giao cho Chính phủ quy định chi tiết chế tài xử lý khi không báo cáo hằng năm.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang

Về khoảng cách an toàn, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung quy định đối với cơ sở sản xuất hóa chất có quy mô lớn cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải do việc sản xuất hóa chất rất độc hại. Bởi nếu chỉ quy định địa điểm xây dựng an toàn, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là chưa đầy đủ.

Về trang thiết bị, lực lượng ứng phó sự cố hóa chất, dự thảo Luật quy định, lực lượng ứng phó tại cơ sở hóa chất phải thường xuyên được huấn luyện, thực hành các phương án ứng phó sự cố hóa chất. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị quy định cụ thể số lần huấn luyện, thực hành các phương án ứng phó sự cố hóa chất vì nếu như sử dụng cụm từ "thường xuyên" thì có thể sẽ khó cho cơ quan chức năng khi thực hiện kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, tại khoản 1 điều 32 của dự thảo luật quy định: Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật về an toàn, an ninh hóa chất. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm thu hồi, xử lý hóa chất bị cấm, hóa chất không đạt chuẩn sau khi lưu thông trên thị trường; hóa chất tồn dư, tồn trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh bị thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép kinh doanh hóa chất.

Đại biểu Tô Ái Vang – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Sóc Trăng

Liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu Tô Ái Vang – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, bổ sung nội dung quy định về việc lồng ghép, tích hợp và phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với các kế hoạch ứng phó sự cố khác, nhằm đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với một số điều tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, cần làm rõ đối tượng áp dụng. Đại biểu đề nghị nên áp dụng quy định này cho các dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất. Ngoài ra, đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với các cơ sở đang hoạt động thì quá trình thẩm định thực hiện theo thời điểm ra sao.

Đối với trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị, bổ sung một khoản quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, trong quá trình phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, vì sự cố hóa chất ảnh hưởng lâu dài và rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người, môi trường. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm phối hợp cùng tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật do cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị phục vụ cho Hội nghị. Các ĐBQH nhất trí về tên gọi của Luật, quy định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, sử dụng hóa chất, đăng ký hóa chất mới, quản lý hóa chất mới, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất cấp tỉnh và các nội dung khác. Các đại biểu đã tham gia ý kiến thảo luận và đề nghị tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm, quảng cáo hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất... Những ý kiến đều rất tâm huyết được thể hiện trên tinh thần trách nhiệm cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật. Đề nghị Chính phủ lưu ý đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua trong Kỳ họp sắp tới để bảo đảm sự thống nhất giữa các dự thảo luật. Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Ủy ban Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhưng cũng cần đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Bích Lan - Phạm Thắng