Thấy gì từ điểm thi đầu vào Đại học khối ngành Sư phạm cao đột biến?

19/09/2024

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm học 2023 – 2024 vừa kết thúc, các tân sinh viên đang nhộn nhịp nhập trường. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Thấy gì từ điểm thi đầu vào Đại học khối ngành Sư phạm cao đột biến?” của TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Hoạt động giám sát của Quốc hội: Thực trạng, bất cập và giải pháp hoàn thiện

Kỳ thi THPT năm học 2023 – 2024 đã khép lại. Các trường Đại học đã công bố điểm chuẩn. Các tân sinh viên đang nhộn nhịp nhập trường. Có một điều “rất khác” trong kết quả tuyển sinh Đại học năm nay là khối các ngành sư phạm có điểm tăng đột biến.

Đầu bảng phải kể đến Đại học Sư phạm Hà Nội: Ngành sư phạm Ngữ văn và Lịch sử có điểm chuẩn là 29,3; sư phạm Địa lý: 29,05; giáo dục chính trị: 28,83 và  giáo dục công dân: 28,6… Mức điểm trung bình để được trúng tuyển ngành sư phạm của trường đều trên 9,0.

Không chỉ các trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm “cao chót vót”, mà các trường Đại học thuộc tỉnh/ thành phố cũng có điểm chuẩn rất cao, thậm chí cao nhất trong số các ngành tuyển sinh của trường. Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Thái Nguyên), điểm chuẩn tuyển sinh cao nhất là ngành sư phạm lịch sử (28,6 điểm); Đại học Hải Phòng, điểm chuẩn tuyển  sinh cao nhất cũng thuộc về ngành sư phạm ngữ văn (26,5 điểm); Đại học Cần Thơ cũng vậy, điểm trúng tuyển cao nhất là ngành sư phạm lịch sử (28,43 điểm).

Mức điểm trung bình để được trúng tuyển ngành sư phạm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều trên 9,0.

Đây là tín hiệu đáng mừng, không những cho ngành sư phạm mà còn cho toàn xã hội. Những năm trước, điểm trúng tuyển của khối ngành sự phạm không cao, thậm chí có những trường đại học chỉ lấy điểm trúng tuyển ở mức điểm sàn, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm, và điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra, xa hơn nữa là chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục. Nhìn vào điểm tuyển sinh đại học khối ngành sư phạm năm nay, có mấy vấn đề được đặt ra

Thứ nhất: Mặt bằng điểm trúng tuyển Đại học năm học này cao hơn so với những năm trước, đặc biệt là với khối C.

Tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT đạt trung bình 8 điểm/môn khá nhiều. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm trung bình môn ngữ văn năm nay là 7,23 điểm. Cả nước có 377.956/1.050.132 thí sinh đạt điểm ngữ văn từ 8,0 trở lên (chiếm 35,99%). Theo đánh giá, đề thi năm nay, ngoại trừ môn Toán là có tính chất phân hoá rõ rệt (rất khó để đạt điểm tuyệt đối), còn lại các môn, tính chất đề đều tương đối “dễ chịu”.

Tuy nhiên, mặt bằng điểm trúng tuyển Đại học cao không chỉ là niềm vui, mà vẫn còn tiềm ẩn những lo lắng khác. Các trường Đại học đều áp dụng đa dạng các hình thức tuyển sinh (xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi tốt nghiệp THPT…) nên số học sinh “trúng tuyển sớm” (dự tuyển bằng các hình thức xét tuyển, điểm đỗ tốt nghiệp THPT chỉ là một điều kiện) là khá nhiều. Bởi vậy, số lượng trúng tuyển theo hình thức điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều, dẫn đến tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng chưa thực sự yên tâm với hình thức xét tuyển bằng điểm học bạ bởi lo ngại điểm số trong học bạ có thể chưa thực sự phản ánh đúng năng lực thực tế của học sinh. Việc “quy đổi” điểm chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm tuyển sinh của các trường Đại học cũng đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Bởi vậy, các phương thức tuyển sinh đại học hiện nay cần được rà soát, đánh giá một cách thực sự kỹ lưỡng, để vừa đảm bảo sự linh hoạt, đa dạng trong hình thức tuyển sinh, tạo điều kiện tối đa cho người học nhưng cũng đảm bảo được sự công bằng, khoa học và chính xác.

Thứ hai: ngành sư phạm đang  trở nên “có giá”.

Nguyên nhân là do hiện nay, nhiều chính sách liên quan đến nhà giáo đã, đang và sắp có những thay đổi theo hướng ngày càng nhiều những ưu đãi dành cho ngành giáo dục. Nhiều năm nay, sư phạm luôn được nhìn là ngành “nghèo” và vất vả, do chế độ lương, phụ cấp và các chính sách khác cho nhà giáo vẫn còn khá khiêm tốn, trong khi áp lực công việc của giáo viên ngày một nhiều – nhất là giáo viên mầm non. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 01/2021 và Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2021 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Với những quy định mới về chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên đã được điều chỉnh hạng chức danh, cùng với đó là điều chỉnh mức lương (theo hướng tăng lên) khiến các giáo viên thêm yên tâm cống hiến vì thu nhập từ nghề đã được cải thiện hơn.

Bên cạnh đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ là ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong ngạch viên chức khiến cho không những đội ngũ nhà giáo vui mừng, phấn khởi mà còn có tác động to lớn tới cách nhìn nhận, đánh giá của toàn xã hội về nhà giáo, về nghề sư phạm ở khía cạnh thu nhập từ nghề. Rõ ràng yếu tố “lương cao” là một điểm cộng, là mối quan tâm rất lớn của các thí sinh và các bậc cha mẹ khi quyết định định hướng cho con mình thi vào khối ngành nào, trường đại học nào. Ngành sư phạm đang trở nên hấp dẫn bởi thế. Nhiều học sinh có lực học giỏi đã lựa chọn khối ngành sư phạm để dự thi. Đây là xu hướng tất yếu sau nhiều nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Việc Chính phủ đang xây dựng dự thảo “Luật Nhà giáo” để trình Quốc hội (dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu với Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8) với rất nhiều những quy định cụ thể về vai trò, vị thế và những chính sách, ưu đãi dành cho nhà giáo cũng là một động lực to lớn thúc đẩy sự “tha thiết” của thí sinh với khối ngành sư phạm.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo. 

Hơn thế, Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đang được áp dụng cũng đã thu hút một lượng nhất định các thí sinh vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 116 còn một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nên trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát lại để có phương án đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương khi thực hiện.

Thứ ba: Cần “nới rộng” chỉ tiêu tuyển sinh cho khối ngành sư phạm

Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường Đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hàng năm. Năm học này, Bộ giao chỉ tiêu cho các trường vào tháng 6. Khối ngành sư phạm năm nay được điều chỉnh theo hướng cắt giảm nhiều so với đề án tuyển sinh các trường tự xây dựng. Các trường: Đại học Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2… đều phải điều chỉnh chỉ tiêu ngành sư phạm (giảm hơn so với đề án tuyển sinh của trường xây dựng).

Căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường Đại học dựa trên nhu cầu xã hội, đặt hàng của các tỉnh, thành phố (theo Nghị định 116/2020) và năng lực đào tạo của trường đại học. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện Nghị định 116/2020 còn nhiều vướng mắc nên mới chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện. Nhiều địa phương không “mặn mà” với Nghị định 116 nên việc xác định nhu cầu thực tế để đặt hang đào tạo giáo viên chưa phản ánh được chính xác. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 – 2023 của cả nước thiếu 118.253 giáo viên ở các cấp học. Nghĩa là tình trạng thiếu giáo viên vẫn ở mức tương đối trầm trọng, trong khi quy mô đào tạo ngành sư phạm thu hẹp lại. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có sự rà soát kỹ lưỡng về chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sư phạm. Và các trường đại học cần thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là với khối ngành sư phạm. Có như thế chúng ta mới giải được “bài toán” thiếu giáo viên để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội./.

   

TS. Nguyễn Thị Việt Nga

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương