Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

18/09/2024

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 4255 /TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Theo đó, ngày 12/9/2024, tại Phiên họp lần thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội, trong đó tập trung vào một số vấn đề như sau:

1. Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có hóa chất; ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón, khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm, thủy sản; nghiên cứu, thể chế hóa Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là việc xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước và Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) là luật chuyên ngành có nhiều nội dung chuyên môn sâu, do vậy, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, đề nghị rà soát, bảo đảm thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, tách bạch các quy định trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

2. Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật, không tạo khoảng trống pháp lý trong quản lý hoạt động hóa chất, bảo đảm phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất; bổ sung đầy đủ hồ sơ tài liệu theo ý kiến của cơ quan thẩm tra; rà soát khái niệm, từ ngữ chuyên môn để giải thích đầy đủ, bảo đảm rõ nghĩa, dễ hiểu, tránh trùng lắp và không quy định các khái niệm không cần thiết.

Rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ và phụ lục kèm theo, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Dược, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Quản lý ngoại thương và các luật khác có liên quan. Cụ thể hóa tối đa trong dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn; rà soát quy định về áp dụng pháp luật, điều khoản thi hành, bảo đảm tính khả thi, không xảy ra vướng mắc khi áp dụng, chỉ đưa vào Luật những nội dung cần thiết, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất khi áp dụng pháp luật và không quy định các nội dung chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được quy định ở các luật khác.

3. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất trên cơ sở cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đầu tư thích đáng, chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp hóa chất. Làm rõ và tách bạch chính sách của Nhà nước ưu đãi, chính sách của Nhà nước đầu tư. Các chính sách cần thiết thực, cụ thể hóa đầy đủ trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thiết thực, khả thi trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

4. Rà soát, làm rõ, tiếp thu, bổ sung theo ý kiến các cơ quan thẩm tra về chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, dự án hóa chất, ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm, hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất và điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất, quản lý hoạt động hóa chất đặc biệt là sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, tăng chế tài xử lý các vi phạm trong quản lý hoạt động hóa chất; an toàn hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất và nhiều nội dung khác được nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật chậm nhất ngày 27/09/2024 gửi Ủy ban KH,CN&MT thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trọng Quỳnh