Hoạt động là vì nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân

20/01/2007

Ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện có kết quả nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của QH, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự kỷ cương phép nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu của CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành và phong trào thi đua năm 2006, triển khai công tác năm 2007 của Ngành Kiểm sát nhân dân

Thưa các đồng chí!

Nhân dịp đến dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2006 và triển khai công tác năm 2007 của Ngành Kiểm sát nhân dân, trước hết tôi xin gửi tới các đồng chí, và qua các đồng chí, tới các vị lãnh đạo Viện đã nghỉ công tác và toàn thể cán bộ, công chức, kiểm sát viên Ngành Kiểm sát nhân dân lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc Hội nghị của chúng ta thu được kết quả thiết thực.

Qua giám sát của QH về tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, Viện Kiểm sát Nhân dân nói riêng, và hôm nay được trực tiếp nghe báo cáo của các đồng chí, tôi rất vui mừng nhận thấy, năm 2006, Ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện có kết quả nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của QH, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự kỷ cương phép nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.

Toàn ngành đã tích cực đổi mới về tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, điều tra và đưa ra truy tố, xét xử các vụ án về an ninh quốc gia, một số vụ án tham nhũng lớn, ma túy, các tội phạm có tổ chức và những vụ án gây nhiều bức xúc ở địa phương, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đồng thời đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp; Thường xuyên phát hiện và kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, Tòa án, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm và tội phạm, khắc phục cơ bản tình trạng án oan, sai trong điều tra, truy tố và xét xử, đồng thời hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm. Đã tích cực kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự và hành chính, trong thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên Ngành Kiểm sát thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, rèn luyện về bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công tác tư pháp.

Những kết quả hoạt động của Ngành Kiểm sát đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước ta năm 2006 – một năm có nhiều sự kiện chính trị đối nội và đối ngoại nổi bật, để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và bạn bè quốc tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những kết quả và thành tích mà Ngành Kiểm sát đã đạt được trong năm qua; Và mong các đồng chí tiếp tục phát huy để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí!

Năm 2007 và một số năm tiếp theo, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội lớn, đất nước ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thử thách mới. Nước ta vẫn còn trong tình trạng kém phát triển. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng. Các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số vùng và địa phương chưa bảo đảm vững chắc. Công tác của Ngành Kiểm sát cũng còn không ít những khuyết điểm, yếu kém như trong báo cáo của các đồng chí đã chỉ ra.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006 – 2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện được mục tiêu và phương hướng nêu trên, việc tiếp tục cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung, của các cơ quan tư pháp nói riêng đóng một vai trò rất quan trọng. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nhấn mạnh mục tiêu của cải cách tư pháp là xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tôi nhất trí với những phương hướng nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2007 đã nêu trong báo cáo của các đồng chí. Chỉ xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau đây:

Một là: Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Phải phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, các vụ án có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Hiện nay, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, phức tạp, lâu dài, phải có quyết tâm cao, thực hiện thật kiên quyết, đồng bộ, phát huy sức mạnh của toàn xã hội mới có hiệu quả. Tôi đề nghị Ngành Kiểm sát quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, Chống tham nhũng và những yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Các đồng chí cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan tư pháp trong việc đấu tranh xử lý kịp thời đối với các vụ án tham nhũng; Đặc biệt là các tội tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ... Cùng với Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa thành lập đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cuộc đấu tranh này. Qua mỗi vụ án tham nhũng được xử lý, Viện Kiểm sát cần chú ý làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội để từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành có các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm, khắc phục những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước. Thay vì chỉ quan tâm khi tội phạm tham nhũng xảy ra mới tìm cách điều tra, xử lý, chúng ta cần chủ động tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh của tội phạm để có các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Cùng với kiểm sát trong lĩnh vực hình sự, Viện Kiểm sát các cấp cần nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động... Với trách nhiệm pháp lý của mình, các đồng chí cần tìm ra biện pháp có hiệu quả nhất để góp phần bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án các cấp được khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cải cách tư pháp là nâng cao chất lượng của phiên tòa xét xử, phán quyết của Tòa án phải nghiêm minh, đúng pháp luật. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Theo tinh thần đó, Kiểm sát viên duy trì công tố và kiểm sát xét xử phải nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ án, thực hiện tốt việc tranh luận về các vấn đề mà người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nêu ra tại phiên tòa, trên cơ sở đó giúp cho Tòa án ra những bản án, quyết định đúng đắn, công bằng, có sức thuyết phục.

Viện Kiểm sát các cấp cần chú trọng công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, không để xảy ra các trường hợp bắt oan, sai. Thực hiện nghiêm túc các nội dung được nêu trong Chỉ thị 53 của Bộ Chính trị ngày 21.3.2000, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Sai sót trong việc bắt, giam giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện Kiểm sát Nhân dân ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm”. Ngành Kiểm sát cũng cần tập trung làm tốt công tác kiểm sát thi hành án, tăng cường phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án và Thi hành án đề ra các biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và dân sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Hai là: Cần hết sức lưu ý hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan. Khi đã xảy ra oan, phải dũng cảm nhận sai lầm và bồi thường thiệt hại cho người bị oan và tổ chức xin lỗi người bị oan theo quy định của pháp luật. Người bị oan có đơn yêu cầu, Viện Kiểm sát phải khẩn trương giải quyết một cách có lý, có tình, khôi phục quyền lợi chính đáng của họ. Thời gian qua, Viện Kiểm sát là một trong những cơ quan bước đầu thực hiện tích cực và chủ động việc bồi thường cho người bị oan thuộc trách nhiệm của mình, tháo gỡ được nhiều trường hợp khó khăn, vướng mắc. Đề nghị các đồng chí sắp tới cần tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết bồi thường, không đùn đẩy trách nhiệm, có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình giải quyết bồi thường cho người bị oan; Đồng thời xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể có liên quan đến việc làm oan.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân đang diễn biến phức tạp, Viện Kiểm sát các cấp cần chú trọng hơn nữa đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung nghiên cứu, giải quyết các đơn thư khiếu nại về tư pháp, nhất là đơn thư khiếu nại các bản án hình sự, dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhằm phát hiện vi phạm để kháng nghị; Chủ động và có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương, cấp ủy và chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài.

Ba là: Để thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Ngành Kiểm sát cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý. Cán bộ kiểm sát phải là người có bản lãnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, quan hệ tốt với quần chúng, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Muốn vậy, mỗi cán bộ kiểm sát phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, không ngừng phấn đấu vươn lên, tiến tới ngang tầm với trình độ cán bộ tư pháp của các nước trong khu vực và thế giới. Viện Kiểm sát các cấp phải tăng cường công tác quản lý cán bộ, xây dựng mỗi Viện Kiểm sát thực sự là một đơn vị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm phấn đấu không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng ở đơn vị mình. Vì muốn chống được tham nhũng thì người chống tham nhũng trước hết phải là người trong sạch, liêm chính, không tham nhũng. Qua báo chí và báo cáo của các đồng chí, tôi được biết thời gian qua có một số cán bộ kiểm sát có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù số cán bộ có vi phạm không nhiều, nhưng dư luận rất bức xúc, quan tâm theo dõi thái độ tiếp thu và xử lý của Ngành Kiểm sát. Đề nghị các đồng chí khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm túc đối với những cán bộ vi phạm, làm trong sạch đội ngũ của ngành, củng cố lòng tin của nhân dân với cơ quan pháp luật. Tôi mong rằng, Ngành Kiểm sát là một trong những lực lượng nòng cốt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Ngành Kiểm sát phải đề cao tính Đảng, tính nhân dân trong hoạt động của mình. Chúng ta hoạt động là vì nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân. Mặt khác, Viện Kiểm sát Nhân dân phải tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng đối với Ngành Kiểm sát, thường xuyên gắn công tác xây dựng ngành với công tác xây dựng Đảng; Chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ động chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, các cơ quan nhà nước khác. Có như vậy mới tạo ra sức mạnh, hiệu quả cho công tác của mình, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Thưa các đồng chí!

Tôi tin tưởng rằng, với những thành tích và kinh nghiệm của thời gian qua, với quyết tâm và khí thế mới, toàn Ngành Kiểm sát của chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra. Nhân dịp năm mới 2007 và chuẩn bị đón Xuân Đinh Hợi, một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các đại biểu và toàn thể kiểm sát viên, cán bộ, công chức Ngành Kiểm sát nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc, tiến bộ, giành nhiều thắng lợi mới, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Xin cám ơn các đồng chí!

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)