Kênh truyền hình cho Quốc hội - chuyện của tương lai

22/12/2006

Ý tưởng về một kênh truyền hình cho Quốc hội được nhắc đến lần đầu trong Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mục đích để người dân có thể theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội và những đại biểu Quốc hội do mình bầu ra. Khi đó, tác giả của ý tưởng lập luận: Tỷ lệ hộ dân có truyền hình khá cao và người dân ngày càng quan tâm đến các hoạt động của Quốc hội. Thông thường, thông tin về các kỳ họp Quốc hội được đưa trong chương trình thời sự. Nếu truyền hình đưa tin, bài về kỳ họp dài quá sẽ phải giảm bớt những thông tin khác của người dân. Vậy tại sao không lập một kênh truyền hình riêng cho Quốc hội? Trên thực tế, Quốc hội đâu phải chỉ có 2 kỳ họp một năm mà còn có những hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Đó là chưa kể thông tin về hoạt động của HĐND các địa phương. Quan trọng hơn, người dân muốn và cần được biết người đại diện mà họ đã lựa chọn đang làm gì để thể hiện nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi cho họ. Từ đó, người dân sẽ quyết định có tiếp tục bầu đại biểu đó ở khóa Quốc hội sau hay không.  

Nhìn ra thế giới, nước có kênh truyền hình riêng cho Quốc hội, một số khác thì không, tùy theo quan niệm của từng nước. Ở những quốc gia mà báo chí truyền thông, truyền hình có địa vị hoàn toàn độc lập, không chịu ảnh hưởng của Nhà nước, Quốc hội không thể gợi ý cho báo chí là đưa tin như thế nào và kênh truyền hình riêng cho Quốc hội không được coi là chuẩn mực. Hơn nữa, những tin tức mang tính chất “cung đình” thường không được các phương tiện thông tin đăng tải đơn giản vì người dân không quan tâm. Phần đông các nước theo triết lý này. 

Một số nước khác có kênh truyền hình cho Quốc hội. Tuy nhiên, đó không phải là kênh tuyên truyền cho Quốc hội mà chỉ đưa tin về hoạt động của Quốc hội một cách hoàn toàn trung thực theo kiểu có sao nói vậy, ai thích thì xem. Hoặc, như Quốc hội Thụy Điển có một kênh tivi nội bộ, cũng phát tất cả các phiên họp tại nghị trường. Kênh này phát sóng khoảng 600 giờ mỗi năm và được nối ra bên ngoài qua một hub để các đài truyền hình có thể thu tín hiệu nếu muốn.

Về mặt lý thuyết, việc phản ánh các hoạt động của Quốc hội qua các phương tiện thông tin đại chúng, ở đây, cụ thể là một kênh truyền hình, sẽ góp phần giúp cử tri có cái nhìn đầy đủ hơn về những người đại diện của mình, đánh giá được Quốc hội đã thực hiện các chức năng như thế nào và ý thức rõ ràng hơn các vấn đề của quốc gia. Ở một khía cạnh khác, kênh truyền hình còn tạo nên mối tương tác, xác định trách nhiệm của đại biểu trước cử tri cả nước. Vì thế, kênh truyền hình cho Quốc hội tất nhiên là cần. Nhưng những câu hỏi như: Nội dung đề cập là gì? Số lượng người xem như thế nào? Hiệu quả ra sao? Phát sóng ở đâu để người dân xem được? Kinh phí xây dựng một kênh truyền hình là bao nhiêu?... thì lại chưa được trả lời. Lẽ đương nhiên, chừng nào chưa có câu trả lời, ý tưởng về một kênh truyền hình cho Quốc hội chưa thể thành hiện thực.

Không hiểu có phải vì thế mà nhiều đại biểu cho rằng, kênh truyền hình riêng cho Quốc hội không phải là chuyện của hiện tại. Thay vào đó, trước mắt, Quốc hội chỉ cần bảo đảm những nội dung quan trọng mà cử tri quan tâm trong kỳ họp như thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, giáo dục, tham nhũng... được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Đặc biệt, Quốc hội cần tạo điều kiện cho hàng trăm phóng viên của các cơ quan báo chí- những người đưa không khí nóng bỏng nơi nghị trường đến với người dân- tiếp cận, đưa tin về hoạt động của Quốc hội một cách thuận lợi nhất.

Tiền Phong

(Nguồn: http://www.nguoidaibieu.com.vn)