Trang mới trong quan hệ chính trị - kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ

22/12/2006

Ngay sau khi lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật về Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam, Pháp luật TP.HCM đã phỏng vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Buổi họp báo giới thiệu Dự luật PNTR với Việt Nam tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói: Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn lao mà hai bên mong đợi từ lâu, là biểu tượng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định rằng bai bên đã hoàn toàn khép lại quá khứ, nhìn về tương lai. Nói vậy, không phải là chủ quan của tôi mà là phát biểu của các nghị sĩ Mỹ, được báo chí nước ngoài đăng lại và bình luận. Còn ý nghĩa trực tiếp hơn, là mở ra cánh cửa cuối cùng để hai nước quan hệ với nhau như thành viên đầy đủ của WTO. Doanh nghiệp Mỹ sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam và ngược lại doanh nghiệp Việt Nam cũng tin tưởng hơn khi bán hàng sang Mỹ.

- Lợi ích như vậy thì tại sao đến bây giờ, phải hai lần đệ trình Quốc hội Mỹ mới thông qua?

+ Khi Chính phủ Mỹ kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam, ủng hộ ta vào WTO, tức là họ cũng muốn thông qua PNTR với Việt Nam rồi. Sự ủng hộ này được thể hiện rõ qua các tuyên bố của Tổng thống Bush cũng như các nghị sĩ thuộc hai đảng Cộng hoà, Dân chủ.

Tuy nhiên, bản thân chính trường Mỹ có nhiều yếu tố phức tạp khiến lần bỏ phiếu trước không thành công, trong đó có yếu tố kỹ thuật, yếu tố tâm lý từ tác động của việc phe Cộng hoà thua phe Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi. Cũng phải phân tích một chút là lần trước, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hoà có thể đã chủ quan, lựa chọn hình thức thông qua luật không cần thảo luận, đòi hỏi phải có 2/3 phiếu thảo luận. Còn lần này, với quy chế bình thường, chỉ cần quá nửa bỏ phiếu thuận là dự luật đã được thông qua.

- Thưa bà, chỉ 212 phiếu thuận và có tới 184 phiếu chống ở Hạ viện, nói lên điều gì về sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ trong quan hệ với Việt Nam?

+ Không nên hiểu cứng nhắc là những người bỏ phiếu thuận thì ủng hộ Việt Nam những người chống thì phản đối Việt Nam. PNTR với Việt Nam nằm trong hơn 10 luật liên quan đến thuế, thương mại, được đưa ra Quốc hội bỏ phiếu theo hình thức cả gói. Như vậy, có thể nghị sĩ này ủng hộ Việt Nam nhưng vì phản đối dự luật khác trong gói mà bỏ phiếu chống và ngược lại.

- Thưa bà, giữa Mỹ và Việt Nam đã có hiệp định thương mại song phương BTA, vậy tới đây, PNTR, tương lai quan hệ kinh tế sẽ như thế nào?

+ Đôi bên có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, lại trong hoàn cảnh mới là Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, với phạm vi cam kết rộng hơn BTA, doanh nghiệp hai nước sẽ vững tin hơn, có tầm nhìn xa hơn. Các tổ chức tài chính của Mỹ như OPIC - quỹ bảo đảm tín dụng xuất khẩu sẽ tham gia mạnh hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam.

- Quy chế PNTR đã làm mất hiệu lực của tu chính án Jackson-Vanick với Việt Nam. Điều này ngoài vấn đề về kinh tế có ý nghĩa gì về chính trị?

+ Từ khi nối lại quan hệ thương mại đến nay, năm nào Quốc hội Mỹ cũng bỏ phiếu miễn áp dụng tu chính án đó với Việt Nam. Tuy nhiên,  mỗi lần bỏ phiếu lại là dịp để một vài nhóm thiếu thiện cảm với Việt Nam đưa ra các yêu cầu mang tính chính trị như nhân quyền, tôn giáo… Như vậy, bác bỏ được hiệu lực của điều luật này cũng giúp gạt đi một trở ngại trong quan hệ ngoại giao hai nước. Điều này cũng có ý nghĩa như việc Bộ ngoại giao Mỹ, trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bush đợt Hội nghi APEC vừa rồi, đã rút Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo.

Có một điểm đáng lưu ý là luật PNTR lần này được thông qua với sự thoả hiệp giữa các nhóm nghị sĩ. Vì vậy, trong luật có một dòng nhỏ, đại ý vẫn còn một số vấn đề liên quan tới tôn giáo cần phải quan tâm. Theo tôi, nội dung này không mang tính ràng buộc hay chế tài nên không có gì đáng lo ngại cả.

- Xin cảm ơn bà!./.

Pháp luật TP.HCM

(Nguồn: http://www.vov.org.vn)