Quốc hội họp xem xét phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO

02/12/2006

Đoàn đàm phán của chúng ta đã tiến hành nhiều vòng đàm phán đa phương với Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO và đàm phán song phương với các đối tác liên quan.

 Quá trình đàm phán kéo dài gần 12 năm, gặp nhiều khó khăn phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ cam go nhưng cuối cùngViệt Nam và WTO đã đi đến thoả thuận, ngày 7/11/2006, tại Geneva, Thuỵ Sỹ, Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam và Tổng giám đốc WTO đã chính thức ký Nghị định thư gia nhập WTO của nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định thư có nội dung rất cụ thể, phạm vi điều chỉnh rộng, được Việt Nam và WTO thoả thuận trên nguyên tắc và quy chuẩn thương mại quốc tế, có ghi nhận quyền được ưu đãi của Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới 30 ngày sau khi Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư này.

Sau khi Nghị định thư được phê chuẩn, và có hiệu lực, không chỉ có tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế thương mại của nước ta với các nước trên thế giới, các tổ chức kinh tế và khu vực mà nước ta tham gia. Việc gia nhập WTO sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn và động lực để Việt Nam thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo nên năng lực sản xuất mới; hàng hoá, dịch vụ của nước ta nhận được sự đối xử bình đẳng khi tiếp cận thị trường của tất cả các thành viên WTO và cơ hội sử dụng Quy chế giải quyết tranh chấp của WTO để đấu tranh bình đẳng với các đối tác thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tham gia bình đẳng vào việc hoạch định các định chế thương mại toàn cầu. Đó cũng là bước quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị định thư chứa đựng nhiều cam kết pháp lý quan trọng của nhà nước ta trên các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ và đầu tư. Việc thực hiện thành công nghị định thư sẽ có tác động lâu dài và sâu sắc tới đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Điều đó đòi hỏi sự chuẩn bị thật chu đáo chặt chẽ nhằm tranh thủ tối đa các thời cơ, thuận lợi, hạn chế những thách thức khó khăn, đảm bảo các lợi ích của nhà nước và nghĩa vụ của một thành viên WTO./.

Cẩm Thuỷ

(http://www.vov.org.vn)