Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI thành công tốt đẹp

02/12/2006

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 luật và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác; quyết định những nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007, gồm: đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả, tính bền vững, chất lượng tăng trưởng; tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết gia nhập WTO…

Sau 29 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm,

chiều nay (29/11), tại Hội trường Ba Đình, Quốc hội họp phiên bế mạc. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được điều khiển phiên làm việc.

Nền kinh tế nước ta tiếp tục có mức tăng trưởng cao

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định, năm 2006, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân cả nước, của các cấp, các ngành; sự chỉ đạo, điều hành sát sao, năng động của Chính phủ; sự giám sát tích cực của các cơ quan dân cử, nền kinh tế nước ta tiếp tục có mức tăng trưởng cao. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục ổn định. Các hoạt động khoa học và công nghệ đang được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Công tác xoá đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm thu được nhiều kết quả tốt. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh với quyết tâm cao, bước đầu có tác động tích cực, tạo được niềm tin trong nhân dân. Chính trị xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có bước tiến mới. Các sự kiện Việt Nam được kết nạp làm thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, được đề cử làm thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 đã góp phần khẳng định vị thế và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực sẵn có, năm 2006 thấp hơn năm 2005; chất lượng tăng trưởng chưa cao; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như từng loại sản phẩm còn yếu; việc sử dụng các nguồn lực của nhà nước và xã hội kém hiệu quả. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học chưa được cải thiện, nhiều biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo vẫn là mối lo ngại của xã hội. Dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn là những thách thức rất lớn. Hiện tượng khiếu kiện kéo dài, đông người chưa giảm. Tai nạn giao thông chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tình trạng vi phạm pháp luật, chấp hành không nghiêm pháp luật, kỷ cương đã ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và đời sống xã hội.

Quốc hội đã quyết định những nhiệm vụ trọng tâm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 với mục tiêu tổng quát, gồm: đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả, tính bền vững, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác vì lợi ích của dân tộc. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường. Kiện toàn tổ chức và chức năng, nhiệm vụ bộ máy nhà nước các cấp, đáp ứng các mục tiêu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm cao đối với đất nước và cử tri

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò đại biểu của mình, thể hiện trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với cử tri; tập trung chất vấn vào các vấn đề bức xúc, nổi cộm, được dư luận nhân dân cả nước quan tâm. Rất nhiều câu hỏi chất vấn được nêu ra rõ ý, ngắn gọn, gắn với nội dung của các báo cáo chung, các báo cáo giám sát chuyên đề, làm cho việc chất vấn và trả lời chất vấn đi vào trọng tâm, không bị phân tán. Phần lớn các vị trả lời chất vấn đã đi thẳng vào vấn đề, thẳng thắn nhận những yếu kém, khuyết điểm của ngành mình và của người đứng đầu, đưa ra những giải pháp khắc phục. Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề đã được làm rõ. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tổ chức thực hiện tốt những điều đã hứa và các giải pháp đã nêu, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực công tác của từng Bộ, ngành để không ngừng hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Quốc hội đã thông qua 11 Luật và cho ý kiến về 6 Dự án Luật khác

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006; thảo luận, xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; thực hiện nhiệm vụ lập pháp; giám sát chuyên đề; xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiến hành việc chất vấn và trả lời chất vấn;  phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội cũng đã xem xét thông qua 11 dự án luật; Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật khác để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại các kỳ họp sau. Các đạo luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã quy định tương đối cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề ‘‘Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng’‘. Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Quốc hội đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn tất thủ tục pháp lý quan trọng cuối cùng để nước ta trở thành thành viên của Tổ chức này.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007; Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2007; Nghị quyết về nghiệm vụ năm 2007 với đa số phiếu tán thành./.

Hà Minh

(http://www.vov.org.vn)