ĐBQH BÙI THANH TÙNG GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)

30/05/2020

Tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Bùi Thanh Tùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng nhất trí chọn phương án 1, nghĩa là áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn.

 

Đại biểu Bùi Thanh Tùng phát biểu tại điểm cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Bùi Thanh Tùng bày tỏ nhất trí với các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu thể hiện quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau để góp phần hoàn thiện dự án Luật.

Về lĩnh vực đầu tư được nêu tại khoản 1 Điều 4 trong dự thảo luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng tán thành với việc thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP vào các nội dung, lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng trọng điểm tại Điều 4. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của các bên liên quan từ các cơ quan quản lý nhà nước đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, bên cho vay, bên mời thầu và bổ sung quy định nguyên tắc làm cơ sở quy định các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ này trong hợp đồng dự án PPP.

Liên quan đến quy định Nhà máy Điện và lưới điện tại mục b khoản 1 Điều 4, đại biểu chọn phương án 1, với những phân tích như đã nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55 ngày 01/02/2020 của Bộ Chính trị. Thực tế hiện nay, theo Báo cáo số 25 của Chính phủ ngày 30/01/2019 về tình hình thực hiện các dự án PPP kèm theo hồ sơ dự án luật, có tổng số 18 hợp đồng PPP nhiệt điện và BOT nhiệt điện, với tổng vốn đầu tư khoảng 36,98 tỷ USD, tương đương với trên 857.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự phòng, trong đó đã có 4 dự án hoàn thành đưa vào vận hành và 14 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư.

Qua thực tế giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy có nhiều dự án xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện khí quy mô lớn cũng cần phải đầu tư theo phương thức PPP. Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng tán thành việc không đưa nhà máy thủy điện vào nhóm các dự án PPP như một số đại biểu khác đã phân tích. Việc cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư PPP được đầu tư vào lưới điện sẽ tạo điều kiện san sẻ bớt áp lực tài chính với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm đưa nhanh sản phẩm điện từ các nhà máy điện cung cấp bổ sung cho lưới điện quốc gia. Đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Do đó, việc cho phép đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực lưới điện là không trái với quy định độc quyền của nhà nước tại Luật Điện lực.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu tại Điều 84, đại biểu Bùi Thanh Tùng nhất trí chọn phương án 1 có nghĩa là áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn. Vì dự án PPP được xem xét đánh giá tính khả thi, hiệu quả về mặt tài chính, căn cứ phương án tài chính của dự án. Trong đó, thời điểm hoàn vốn của dự án là một yếu tố rất quan trọng về bản chất dài hạn. Thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm, kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án.

Theo đó, trên thực tế, dự án chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt được hoàn vốn, bắt đầu có lãi theo phương án tài chính. Hơn nữa, có rất nhiều yếu tố tác động trong thời gian thực hiện và đưa vào khai thác, sử dụng dự án. Ví dụ như thay đổi tỷ giá, lãi suất vay, v.v. sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước. Cơ chế chia sẻ phần tăng hoặc giảm doanh thu trên cơ sở kiểm toán doanh thu hàng năm như quy định tại khoản 4 Điều 84 của dự án luật là hoàn toàn phù hợp. Đối với phương án này việc điều chỉnh mức tỷ lệ trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo hướng cố định tỷ lệ 50-50 giữa nhà nước và doanh nghiệp là rõ ràng và tránh được việc vận dụng hay cơ chế xin cho. Việc nhà nước bắt đầu xem xét tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống hay yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên là hợp lý và được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế cũng như các dự án đang triển khai.

Về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP tại Điều 87. Đại biểu Bùi Thanh Tùng cơ bản đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng lại có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án. Dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ; cơ chế chính sách pháp luật vừa phải đảm bảo chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Đại biểu tán thành với quan điểm của một số đại biểu khác như đại biểu Đỗ Văn Sinh, đại biểu Tạ Văn Hạ và không đồng tình với một số quan điểm cho rằng chúng ta phải kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP. Theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung các khâu, lĩnh vực cũng như thời điểm kiểm toán trong quá trình triển khai và đưa vào vận hành dự án PPP như đã nêu trong các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 87 trong dự thảo Luật là đảm bảo tính chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhưng vẫn tạo điều kiện về tính độc lập nhất định đối với các nguồn vốn đầu tư tư nhân theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế về lĩnh vực kiểm toán. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 63 quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đã xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP, như vậy, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Về các quy định đối với hợp đồng xây dựng chuyển giao BT. Thực tiễn thời gian qua BT là phương thức thực hiện chủ yếu với khoảng 56% số dự án trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. Do vậy đại biểu tán thành với phương án 1 là vẫn giữ phương thức đầu tư này với những sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ thủ tục công khai, minh bạch, cạnh tranh như các quy định tại khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 14, khoản 6 Điều 19, khoản 3 Điều 41, khoản 3 Điều 45 và Điều 103 điều khoản chuyển tiếp của dự thảo luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan nhằm minh bạch hơn nữa, đảm bảo xử lý được các tiêu cực đối với việc triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT như là Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản.

Về sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy định tại Điều 104, theo dự thảo lần này sẽ sửa 7 luật, trong đó có những luật mới được Quốc hội khóa XIV thông qua không lâu như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019. Điều đó cho thấy tính dự báo trong hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội nói chung, của các cơ quan được phân công soạn thảo luật nói riêng vẫn còn những bất cập. Rất cần có một cách tiếp cận bài bản về hệ thống hơn hoặc một trình tự rút gọn để sửa trực tiếp từng luật khi chỉnh sửa một hoặc vài điều khoản trong luật nếu đã được Quốc hội thảo luận, nhất trí thông qua để khi ban hành dễ tra cứu thực hiện./.

Bùi Hùng