Chiều nay (26/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến vào dự án Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật. Đây là hai dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.
Phân cấp mạnh cho UBND các cấp trong quản lý nhà nước về ATTP
Từ thực tế hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố là rất lớn, trong khi đó lực lượng thanh tra, kiểm tra còn yếu và mỏng, đại biểu Hoàng Thị Tuân (đoàn Bắc Giang) đề nghị nên giao việc quản lý thức ăn đường phố cho cấp huyện quản lý, còn dịch vụ thức ăn đường phố thì giao cho UBND cấp xã quản lý. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương. Về quản lý bếp ăn tập thể, đại biểu Hoàng Thị Tuân nhất trí với ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN-MT) cho rằng, dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Về vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, nếu dự thảo Luật không quy định cụ thể thì Luật cũng chỉ là luật ống, luật khung khó có hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Đại biểu đề nghị, dựa trên quy trình lưu thông của hàng hoá, thực phẩm để nghiên cứu, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng đề nghị, ngoài những quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, Luật cũng nên quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về vệ sinh ATTP.
Đại biểu Hoàng Thị Tuân cũng cho rằng, trong dự thảo đã quy định về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh. Do vậy, dự thảo Luật cũng nên có quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc cùng với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện chế tài xử lý vi phạm của chúng ta còn thiếu và mức xử phạt cũng quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Nếu không có các chế tài cụ thể về xử lý các vi phạm thì sẽ dẫn đến tình trạng việc tuân thủ Luật không cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không sợ bị phạt và việc tái phạm, vi phạm sẽ gia tăng. Đại biểu Hoàng Thị Tuân đề nghị đưa thêm 1 chương vào dự thảo Luật, theo đó có thể xử phạt hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng, tránh tình trạng xử phạt quá nhẹ như hiện nay không đủ sức răn đe.
Tối đa hoá sự hoà nhập của người khuyết tật vào môi trường chung
Cũng tại phiên họp chiều nay, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Người khuyết tật.
Sau 10 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, những chính sách như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, giáo dục hoà nhập, vận động xã hội tham gia giúp đỡ người tàn tật đã phát huy tác dụng, giúp nhiều người tàn tật hoà nhập vào cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, một số chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo cơ hội để người tàn tật hướng đến cuộc sống độc lập còn rất khó khăn, tình trạng phân biệt đối xử vẫn là những rào cản đối với người tàn tật.
Một số đại biểu cho rằng, mọi người khuyết tật đều muốn tham gia các hoạt động nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng. Tuy nhiên, nếu dự thảo Luật quy định “phương thức giáo dục hoà nhập là phương thức giáo dục chủ yếu”, thì các phương thức giáo dục bán hoà nhập và giáo dục chuyên biệt sẽ ít được quan tâm.
Về vấn đề này, Uỷ ban về Các vấn đề Xã hội cho rằng, để phát triển phương thức giáo dục hoà nhập cần kết hợp hài hoà hai nguyên tắc: Thứ nhất là tạo môi trường giáo dục phù hợp và thứ hai là tối đa hoá sự hoà nhập của người khuyết tật vào môi trường chung. Thời gian qua việc triển khai mô hình giáo dục hoà nhập còn gặp khó khăn và chưa thực sự có hiệu quả cao. Vì vậy, xây dựng hệ thống giáo dục hoà nhập cần tính tới nhu cầu của bản thân người khuyết tật, điều kiện để đảm bảo như có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất không rào cản đối với sinh hoạt của người khuyết tật... Giáo dục hoà nhập phải đi cùng với những hỗ trợ cần thiết thì mới mang lại hiệu quả.
Uỷ ban về Các vấn đề Xã hội đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung những biện pháp hỗ trợ này cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngoài ra, giáo dục hòa nhập chỉ phù hợp với hạng khuyết tật nhẹ, đối với một số dạng khuyết tật vẫn phải có các hình thức giáo dục bán hòa nhập hoặc chuyên biệt. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung những quy định khuyến khích, tạo cơ hội cho người khuyết tật theo học ở các cấp học cao hơn.
Về phân dạng và phân hạng khuyết tật, đây là một trong những điểm mới của dự án Luật so với pháp luật hiện hành, tuy nhiên việc phân dạng, phân hạng khuyết tật chưa được làm rõ và chưa được thể hiện trong Tờ trình cũng như trong dự thảo Luật. Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, cần có quy định cụ thể về hạng khuyết tật và người khuyết tật. Có tiêu chí và từng chính sách tương ứng với từng hạng khuyết tật. Nếu chúng ta quy định hẳn trong Luật thì sẽ dễ dàng giám sát hơn. Hạn chế của Pháp lệnh Người tàn tật và các văn bản pháp luật khác trong thời gia qua là không quy định cụ thể về hạng khuyết tật với những tiêu chí rõ ràng nên không có chính sách cụ thể, gây khó khăn cho địa phương khi tổ chức thực hiện.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban về Các vấn đề Xã hội cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội thực hiện giám định để phân dạng, hạng khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật (Điều 40 của dự thảo Luật). Do vậy, cần phải xây dựng một số nguyên tắc đối với công tác giám định cũng như giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận khuyết tật làm cơ sở để hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng: Hội đồng giám định y khoa ngoài chức năng giám định để phân dạng hạng khuyết tật thì cần xác định rõ nhiệm vụ giám định định kỳ, tái giám định theo yêu cầu của cơ quan chức năng để xác định lại hạng khuyết tật nhằm điều chỉnh chính sách trợ giúp đối với những trường hợp cụ thể cho phù hợp và công bằng. Cần bổ sung quy định cụ thể về cấp giấy chứng nhận dạng và hạng khuyết tật để người khuyết tật có căn cứ hưởng chính sách mà không phải thực hiện các thủ tục nào khác với các cơ quan quản lý nhà nước
Cũng tại phiên thảo luận này, một số đại biểu đề nghị, cần có chương về khảo sát xã hội về người khuyết tật; việc quy định chế độ trợ cấp xã hội; về mua bảo hiểm y tế và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người khuyết tật; khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đào tạo nghề, nhận người khuyết tật vào làm việc. Đối với trẻ em, phụ nữ, người già là người khuyết tật cần có chế độ ưu đãi đặc biệt, cần nâng nâng lên một hạng so với thực tế.
Sáng ngày mai (27/11), Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc tại Hội trường, kết thúc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII sớm hơn nửa ngày so với dự kiến. Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp phiên bế mạc này./.