(VOV) - Chiều nay (21/11), các đại biểu làm việc tại Hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Các ý kiến thảo luận tập trung vào quy định đối tượng chịu thuế; nhóm các căn cứ tính thuế và chính sách miễn giảm thuế được quy định trong dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.
Chưa nên quy định đối tượng chịu thuế là nhà ở
Cũng như tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Thuế nhà, đất, đa số các đại biểu đều cho rằng chưa nên đưa nhà ở vào diện đối tượng phải chịu thuế. Lý giải cho điều này, các đại biểu đồng tình với Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng: Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Trong quá trình xây dựng nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng… Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.
Bên cạnh đó, tài sản nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân; đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận. Một vấn đề nữa là trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng. Do vậy, trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất; chưa áp dụng thuế đối với nhà.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), chưa đến lúc đánh thuế bất động sản là tài sản của toàn dân. Theo đại biểu, với thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, chúng ta nên bảo đảm mỗi người dân có một căn nhà để ở ổn định. Nếu quy định như dự thảo Luật thì sẽ tác động đến toàn dân nhưng không thu được đáng kể, có khi chi phí bỏ ra còn lớn hơn. Theo ông Lịch, trong vòng 10 năm nữa chúng ta cũng chưa nên đặt vấn đề thu thuế này.
Đồng tình với quan điểm chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng cần cân nhắc kỹ vào thời điểm này bởi quyền có nhà ở, có nơi trú ngụ là quyền cơ bản của mỗi công dân. Chính vì vậy, chúng ta nên tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện được quyền này. Phần đông người dân của chúng ta còn có thu nhập thấp, nếu áp dụng sắc thuế này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, dễ dẫn đến việc phát sinh tâm lý không đồng thuận trong dân chúng.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nếu áp mức thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần tính theo năm đối với nhà ở từ 500 triệu trở lên, sẽ không khuyến khích người dân xây dựng nhà kiên cố, to đẹp. Như vậy sẽ không tạo cho đô thị một bộ mặt khang trang…
Tính khả thi của Luật chưa cao, chưa hạn chế việc đầu cơ nhà, đất
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải xác định đúng mục tiêu của việc xây dựng cũng như tính khả thi dự án Luật này. Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (đoàn Đà Nẵng) cho rằng không nên đưa ra mục tiêu tăng cường khả năng quản lý Nhà nước về nhà, đất. Bởi cách đặt vấn đề như vậy là đi ngược lại với logic quản lý. Về nguyên tắc, khi nào quản lý được thì chúng ta mới ban hành chính sách, chứ không phải ban hành chính sách để chúng ta tăng cường khả năng quản lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương cũng cho rằng, mục tiêu chính mà Ban soạn thảo theo đuổi là hạn chế tình trạng đầu cơ trong lĩnh vực nhà, đất. Tuy nhiên, đặc trưng của loại thuế này là thuế tài sản, còn việc đầu cơ là hành vi tiêu dùng, phân bỏ nguồn lực của người dân. Do vậy, nếu có dùng thuế thì cũng không tác dụng đến hành vi, cũng như ngăn chặn được tình trạng đầu cơ.
Về tính khả thi của dự thảo Luật, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Điều 6 của Dự thảo Luật quy định “căn cứ tính thuế là diện tích nhà, đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; đối với nhà, đất không có Giấy chứng nhận thì là diện tích thực tế đang sử dụng. Đối với người có nhiều đất thì căn cứ vào diện tích đất vượt hạn mức để áp dụng thuế suất lũy tiến (mỗi mức cao hơn 0,03%)”. Quy định như vậy thì việc triển khai áp dụng vào thực tiễn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, tính khả thi không cao vì: Tiến trình cấp Giấy chứng nhận hiện rất chậm; nhiều nhà, đất chưa được cấp giấy Giấy chứng nhận. Đối với nhà, đất không có Giấy chứng nhận thì việc xác định diện tích sử dụng thực tế là rất phức tạp, khó khăn và tốn kém. Nếu chỉ dựa vào số liệu tự kê khai thì phần lớn là không chính xác, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN; còn nếu Nhà nước tiến hành đo đạc, xác minh thì sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian do không đủ nguồn nhân lực để thực hiện.
Thứ hai là để thu được thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà, nhiều đất ở nhiều địa bàn khác nhau thì đòi hỏi phải có cơ sở quản lý dữ liệu nhà, đất chặt chẽ, liên thông giữa các địa phương và các số liệu về nhà, đất của từng cá nhân, tổ chức phải được cập nhật thường xuyên. Trong khi đó ở Việt Nam cơ sở này chưa đi vào vận hành.
Thứ ba là dự thảo Luật quy định đối với nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà.
Từ thực tế như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương cho rằng cần đảm bảo các yếu tố, thứ nhất là hệ thống chính sách của chúng ta phải hoàn chỉnh; thứ hai là công tác địa thực địa phải chính xác và thứ ba là hệ thống quản lý thuế phải rất hiệu quả. Có như vậy, Luật mới đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.
Ngày mai (22/11), Quốc hội nghỉ làm việc. Thứ Hai (23/11), Quốc hội tiếp tục làm việc. Buổi sáng các đại biểu biểu quyết thông qua các Luật: Luật Người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật An toàn thực phẩm./.