Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

20/11/2009

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ và trả lời chất vấn của ĐBQH

Kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn

 

Sáng 19.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH đã tiến hành Phiên chất vấn cuối cùng của Kỳ họp thứ Sáu. 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ trong năm 2009 và trả lời chất vấn của ĐBQH.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về một số hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế thời gian qua và khẳng định: Chính phủ sẽ có những điều chỉnh cần thiết. Để đạt mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009, phấn đấu GDP đạt 6,5% như Nghị quyết của QH, ngay trong tháng 12 năm nay, Chính phủ sẽ chính thức ban hành các chính sách hỗ trợ, kích thích thiết thực để vừa hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Riêng về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, Thủ tướng nhấn mạnh: phải theo nguyên tắc thị trường và chủ yếu thông qua các công cụ thị trường mở; chủ động giữ ổn định và từng bước hạ mặt bằng lãi suất cho phù hợp với yêu cầu khôi phục tăng trưởng, nhất là sau khi Nhà nước giảm dần và kết thúc các giải pháp hỗ trợ kích thích kinh tế. Chính phủ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo đảm thực hiện được mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2010; tăng cường công tác quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo quan hệ cung cầu và lợi ích tổng hợp của nền kinh tế, ứng phó có hiệu quả với biến động của các luồng vốn, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, giữ an toàn cán cân thanh toán tổng thể và mức dự trữ ngoại hối cần thiết.

 

Thủ tướng khẳng định, năm 2010, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả các chính sách và chương trình, dự án về giảm nghèo nhanh và bền vững. Chính phủ sẽ nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị chung sức phấn đấu khẩn trương giải quyết có kết quả các vấn đề bức xúc đặt ra.

 

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của ĐBQH về một số tồn tại trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế thời gian qua. Về việc thực hiện Quyết định 497 hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư để sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh: Quyết định này là đúng nhưng đến tháng 9 mới bắt đầu triển khai thực hiện nên chính sách này chưa thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đánh giá lại việc thực hiện Quyết định này để hỗ trợ nông dân cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Chính phủ cũng đã yêu cầu Thống đốc ngân hàng Nhà nước xây dựng một Nghị định về hỗ trợ tín dụng cho nông dân để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn. Trong khi chờ Nghị định này ra đời, Chính phủ sẽ kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Quyết định 497 để việc triển khai có kết quả tốt hơn.

 

Trả lời chất vấn của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các địa phương trong vùng kinh tế gây lãng phí nguồn lực, Thủ tướng cho biết: có hiện tượng này nhưng trên thực tế, khi Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát thì cũng có những dự án, công trình mặc dù đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch nhưng lại phù hợp với thực tế. Do đó, cần phải điều chỉnh lại quy hoạch; đồng thời chấn chỉnh công tác quy hoạch với tinh thần là phân cấp đầu tư mạnh, đúng, phù hợp cho chính quyền địa phương trên cơ sở quy hoạch thống nhất để nâng cao hiệu quả đầu tư. Về chất vấn của các ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) liên quan đến quy hoạch phát triển các công trình thủy lợi, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát lại quy hoạch các công trình thủy điện vừa và công trình thủy điện lớn trên các hệ thống sông để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm phát huy được mặt lợi, mặt tốt và hạn chế hết mức tác động không tích cực của các công trình thủy điện. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương rà soát, đánh giá lại các tiêu chí để xem xét, thẩm định, phê duyệt từng dự án thủy điện cả về kinh tế, xã hội, môi trường, tham gia cung cấp nước, chặn lũ, cắt lũ bảo đảm đem lại lợi ích tổng hợp cao nhất.

 

Kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá: các nội dung chất vấn lần này đã tiếp tục đề cập những vấn đề bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vừa cụ thể vừa bao quát mang tầm vóc quốc gia và có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực. Qua chất vấn, một số vấn đề lớn đã được làm rõ thêm ở nhiều góc độ, thấy rõ hơn trách nhiệm của người được chất vấn và cả người chất vấn; gợi mở thêm những giải pháp và hướng xử lý góp phần thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, khắc phục được những thiếu sót khuyết điểm. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Điều quan trọng là những vấn đề đã chất vấn trên diễn đàn của QH sẽ tiếp tục được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống như thế nào? Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cần nghiên cứu tiếp thu chất vấn của các ĐBQH, cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, khắc phục thiếu sót để giải quyết có hiệu quả những công việc đã nêu, những điều đã hứa để kỳ sau tiếp tục báo cáo kết quả trước Quốc hội.

 

Buổi chiều, QH làm việc tại Tổ thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Các ĐBQH cho rằng, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong điều kiện chỉ số tiêu hao năng lượng của nước ta quá lớn như hiện nay là cần thiết. Điều này cũng sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH lo ngại: dự thảo Luật quy định còn chung chung, mang dáng dấp của một Chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn là một đạo luật. Nhiều ĐBQH cho rằng để chính sách Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào cuộc sống thì các ưu đãi, hỗ trợ về thuế, kinh phí, đất đai, triển khai các chương trình phát triển công nghệ, phát triển tổ chức dịch vụ cần được quy định rõ ràng và cụ thể ngay trong dự thảo Luật.

B.Long – P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác