Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông trả lời chất vấn: Mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân

18/11/2009

Những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Lê Doãn Hợp buổi chiều nay được xem là “nóng” trong thời gian qua thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ

(VOV) - Chiều nay (17/11), tiếp sau phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về chức năng quản lý nhà nước của Bộ, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Công tác quản lý báo chí; quản lý Internet; quản lý hạ tầng viễn thông, việc xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động…

 

Các trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân?

 

Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Nguyễn Đức Hiền quan tâm đến việc xây dựng các trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và bức xúc trong dư luận xã hội, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã phối hợp với Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét thấu đáo vấn đề này hay chưa? Nếu đã xem xét, Bộ trưởng trả lời cho Quốc hội rõ trạm thu phát sóng có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không để người dân yên tâm và bản thân doanh nghiệp viễn thông cũng an tâm sản xuất kinh doanh.

 

 

 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện cả nước có 42.000 trạm BTS, trong đó Viettel chiếm số lượng nhiều nhất với 16.000 trạm. So với các nước trên thế giới, con số này chưa phải là nhiều, một công ty viễn thông của Nhật Bản có tới 40.000 trạm. Trong thời gian tới, số lượng trạm BTS sẽ tiếp tục tăng lên do chúng ta đang triển khai dịch vụ 3G và sắp tới sẽ triển khai 4G. Thời gian qua đã kiểm tra được 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn, những trạm đã kiểm tra là đảm bảo chất lượng. Năm 2010 sẽ đẩy nhanh tiến độ kiểm tra toàn bộ số trạm. Căn cứ vào công bố của thế giới, liên quan đến sản xuất, lắp đặt thiết bị, tiêu chuẩn về chất lượng của Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường, năm 2006 tổ chức quốc tế công bố qua xem xét độ phơi nhiễm và các kết quả thu được, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy tín hiệu của các trạm thu phát tần số viễn thông ảnh hưởng có hại đến sức khoẻ con người. Nếu đảm bảo lắp đặt đúng quy định, những trạm Bộ đã kiểm tra, thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) về vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, đúng là tốc độ phát triển các trạm BTS ở Việt Nam là rất nhanh, số liệu thay đổi từng tháng do nhu cầu phát triển điện thoại và viễn thông của Việt Nam cho nên cơ quan quản lý chất lượng của Bộ làm không theo kịp tình hình. Việc kiểm tra được 25.000 trạm trong thời gian qua là tốc độ làm việc không nghỉ thứ 7.

 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng hứa trước Quốc hội là trạm BTS nào có sai phạm thì sẽ bắt dừng hoạt động và chỉnh sửa. Sau đó sẽ kiểm tra lại nếu đảm bảo mới cho hoạt động tiếp.

 

Bên cạnh việc hứa sẽ tích cực kiểm tra việc thành lập các trạm BTS, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng thừa nhận khi phát triển nhanh thì bao giờ cũng có khoảng trống về quản lý, cũng như đội ngũ cán bộ. Bộ sẽ cố gắng hoàn thiện.

 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận khuyết điểm trước đại biểu về việc để nhân dân thiếu thông tin về các trạm BTS là không chấp nhận được. Ông Lê Doãn Hợp cho biết sẽ có một chương trình để thông tin đầy đủ về vấn đề này để nhân dân hiểu. Qua đó người dân có thể vừa để giám sát việc lắp đặt thiết bị của các doanh nghiệp, nhưng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dịch vụ của mình được thuận tiện.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Hiền về việc ngầm hoá dây cáp cho Hà Nội để phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và giải pháp góp phần cùng Hà Nội và ngành điện xử lý có hiệu quả vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, Bộ đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nên trong quá trình xây dựng Luật Đô thị, thay mặt Bộ, Bộ trưởng đã đề nghị phải có một điều khoản quy định ngầm hoá các công trình kỹ thuật. 2 năm qua, lãnh đạo Bộ đã làm việc với các tỉnh về ngầm hoá, các đô thị, thành phố lớn là đô thị, thành phố không dây, thực tế nhiều tỉnh thành phố đã vào cuộc và làm rất tốt vấn đề này.

 

Hiện Bộ Thông tin- Truyền thông cũng đang tích cực triển khai kế hoạch ngầm hoá mạng lưới viễn thông; trước hết là ở các đô thị. Năm nay, Bộ đã triển khai ở thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng và TP HCM, số tiền dùng cho hoạt động này đã lên đến hơn 1.000 tỷ. Năm 2010, Bộ tiếp tục huy động tất cả các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này vào cuộc để ngầm hoá mạng lưới viễn thông ở nhiều tỉnh, thành khác. Riêng thành phố Hà Nội, hiện đã ngầm hoá xong mạng lưới viễn thông ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phấn đấu đến tháng 9/2010 sẽ ngầm hoá được mạng lưới viễn thông 25 tuyến phố nội thành, kịp phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Quản lý Internet cần có chế tài đi kèm

 

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) liên quan đến công tác quản lý Internet còn xảy ra nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống người dân đặc biệt là lớp trẻ, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn, Bộ trưởng cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, quan tâm tìm hiểu từ các chuyên gia kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Tuy nhiên ông Lê Doãn Hợp cũng cho rằng, sẽ không công bằng nếu không đề cập đến những mặt mạnh của Internet, là bước tiến hoàn hảo của loài người, là tổng kho trí thức đồ sộ của loài người, làm cho mọi người xích lại gần nhau; ngồi một chỗ có thể bao quát cả thế giới. Tuy nhiên, với đặc điểm Internet không có biên giới, đây vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm trong quản lý: Mọi thành phần, độ tuổi, các lực lượng chính trị khác nhau đều tham gia trên mạng; Tính cam kết trách nhiệm cá nhân không cao, nếu có cũng không chắc...

 

Hiện cả nước có khoảng 20.000 đại lý Internet, năm 2008, Bộ đã tổ chức kiểm tra 2.750 đại lý, trong đó phát hiện 117 đại lý có sai phạm như hoạt động quá giờ quy định, lưu hành băng đồi truỵ, trẻ em dưới 14 tuổi đến hoạt động không có người lớn đi kèm.

 

Về giải pháp quản lý đối với lĩnh vực này, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cần bổ sung đầy đủ luật lệ để dễ dàng thực hiện quản lý hoạt động. Thứ hai là tăng cường các biện pháp quản lý trong đó có biện pháp kỹ thuật, thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là giáo dục để nâng cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của gia đình và xã hội cũng như trách nhiệm của các đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên cùng vào cuộc.

 

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng và đại biểu Phạm Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) xoay quanh việc quản lý game online, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, sau khi có chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ đã tăng cường kiểm tra 20 đơn vị cung cấp dịch vụ game online và chắc chắn việc cung cấp các dịch vụ game online sẽ tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị làm nhiệm vụ phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số tập trung đầu tư, sản xuất các chương trình game online có nội dung văn hóa, lành mạnh về lịch sử, truyền thống của Việt Nam. Thông qua hình thức này để tuyên truyền về truyền thống lịch sử cũng như hạn chế các game có nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang đẩy mạnh việc lấy ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thay cho Thông tư liên tịch số 60. Khi Quyết định này ra đời thì các chế tài quản lý lĩnh vực này cũng sẽ tốt hơn.

 

Xây dựng Luật Báo chí để báo chí phát triển và quản lý tốt hơn

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng xoay quanh vấn đề quản lý báo chí, xuất bản. Theo đại biểu, còn có trường hợp báo chí thông tin sai sự thật, không chính xác, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, gây thiệt hại cho doanh nghiệp…

 

Vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, năm 2008, Bộ đã xử lý 65 trường hợp, trong đó có 34 trường hợp là đưa tin sai sự thật. Những phóng viên và người quản lý đưa tin sai đều bị xử lý nghiêm túc, Bộ đã rút thẻ 15 cán bộ, phóng viên. Từ việc làm quyết liệt như vậy, năm 2009 lĩnh vực này đã có chuyển biến tốt hơn. Tính đến tháng 10, Bộ đã xử lý 31 trường hợp, trong đó chỉ có 6 trường hợp đưa tin sai sự thật, rút thẻ 4 trường hợp.

 

Về trách nhiệm của Bộ, ông Lê Doãn Hợp cho rằng, về nguyên tắc, Bộ chỉ xử lý những việc kiểm tra đơn giản mà bộ máy của Bộ có thể làm được như các thông tin sai chỉ cần xác nhận của địa phương. Còn những vấn đề làm sai có liên quan đến các cơ quan tư pháp, Bộ cung cấp hồ sơ và các cơ quan này vào cuộc thì mới làm được. Hiện bộ máy của Bộ chỉ có 35 người để quản lý hoạt động của 709 cơ quan báo chí. “Nếu mỗi ngày một tờ báo đưa một tin sai thì bộ máy này chạy suốt ngày cũng không xong”, ông Lê Doãn Hợp chia sẻ. Theo Bộ trưởng, các Tổng biên tập cần được bổ nhiệm chính xác hơn, thể hiện trách nhiệm tốt hơn.

 

Về phương hướng quản lý báo trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Bộ sẽ tiếp tục rà soát và chuẩn bị xây dựng Luật Báo chí cũng như các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời tạo hành lang pháp lý để quản lý tốt báo chí trong tình hình mới. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí in. Để tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quan báo chí, sẽ sắp xếp, quy hoạch hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích.

 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan chủ quản lý báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.

 

Cũng trong buổi chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các biện pháp để chống độc quyền, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh điện thoại di động; biện pháp khắc phục tình trạng gian lận, tính cước sai đối với người sử dụng điện thoại di động…

 

Trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Hoàng Văn Phong và Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng được mời phát biểu ý kiến về những vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ mình.

 

Ngày mai (18/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại Hội trường để các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn./.

Mạnh Hùng – Thanh Hà

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác