(VOV) - Chiều nay (16/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.
Đa số các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản Luật các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của những quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều quy định còn quá chặt chẽ
Thảo luận các nội dung cụ thể được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Hảo (đoàn Hải Dương) bên cạnh việc đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo, cũng cho rằng, trong dự thảo Luật lần này vẫn còn một số điều chồng chéo, trùng lắp và mâu thuẫn với những Luật khác. Một số quy định trong dự thảo Luật có vẻ mở rộng nhưng thực chất lại là thắt chặt. Theo đại biểu, dự thảo Luật chưa đáp ứng được nhu cầu cải cách ngành ngân hàng theo nguyên tắc đổi mới. Các quy định về quản lý nhà nước với hoạt động của tổ chức tín dụng còn nặng về hành chính. Việc cấp phép mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn bộc lộ cơ chế xin-cho. Nhiều quy định mang tính kiểm tra, giám sát gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.
Về quy định, ngân hàng thương mại không được mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác. Đại biểu Hoàng Thị Hảo cho rằng quy định như vậy là quá chặt chẽ, gây nhiều tranh cãi. Việc ngân hàng thương mại cổ phần được mua của ngân hàng khác đã và đang được thực hiện và phát huy tính ưu việt của nó. Ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của tổ chức tín dụng khác là sự hỗ trợ hữu ích cho nhau về về chuyển giao công nghệ, vốn về quản lý điều hành, thúc đẩy phát triển thị trường vốn. Do vậy, đại biểu nhất trí với quan điểm của Ủy ban Kinh tế tại Báo cáo thẩm tra là chỉ nên quy định giới hạn số lượng tổ chức tín dụng mà một ngân hàng được nắm giữ cổ phần và giới hạn tỷ lệ vốn mà ngân hàng được đầu tư vào tổ chức tín dụng khác chứ không nên cấm.
Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu nhất trí cách tiếp cận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là cơ bản phù hợp vì hoạt động của các tổ chức tín dụng chiếm đại bộ phận các hoạt động mà dự thảo Luật cần điều chỉnh. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc thêm các hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Có ý kiến cho rằng, hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng nên điều chỉnh ở một văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chưa có một văn bản pháp luật khác, cũng nên cân nhắc điều chỉnh một số quy định mang tính nguyên tắc ở trong Luật này nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý và đảm bảo an toàn của hệ thống tiền tệ - ngân hàng.
NHNN không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của tổ chức tín dụng
Về quy định tại khoản 1, điều 51 của dự thảo Luật là: “Danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát; Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này. Những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát; Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận”. Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP Hồ Chí Minh), quy định như vậy là NHNN đã can thiệp quá sâu vào việc bổ nhiệm nhân sự của tổ chức tín dụng. Việc này không đảm bảo sự dân chủ trong việc bầu nhân sự lãnh đạo của các tổ chức tín dụng. Đại biểu đề nghị chỉ nên quy định, tổ chức tín dụng gửi danh sách nhân sự ứng cử đến NHNN để phê chuẩn danh sách nhân sự này trước khi bầu. Sự phê chuẩn này chỉ có tính chất định hướng, còn việc bầu ai phải do Đại hội cổ đông quyết định theo đúng tiêu chuẩn được quy định tại điều 50 của dự thảo Luật.
Về vấn đề quản trị, điều hành, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan về việc quy định các thành viên độc lập của HĐQT để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. Nếu quy định như trong dự thảo Luật thì việc trở thành thành viên độc lập của HĐQT là rất khó khăn. Trong điều kiện nguồn nhân lực của ngành ngân hàng còn thiếu như hiện nay thì quy định này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc tìm được thành viên độc lập của HĐQT.
Cần tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng
Về quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại điều 55, đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Đăng Trừng đều thống nhất cho rằng quy định tỷ lệ sở hữu đối với: cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%; cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng như vậy là quá thấp so với một số nước trong khu vực. Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng nên quy định tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông tổ chức là không quá 30%. Như vậy sẽ góp phần huy động được vốn từ các ngân hàng hoặc từ các tổ chức tín dụng nước ngoài. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng ủng hộ ý kiến của Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định tỷ lệ là 10% đối với cổ đông cá nhân và 20% đối với cổ đông tổ chức.
Xoay quanh vấn đề họp Đại hội cổ đông từ lần thứ 2 trở đi mà không đủ điều kiện quá 50%, các đại biểu đề nghị cũng cần phải nghiên cứu để đồng bộ với các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực này và liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung. Mặc dù tiếp cận với thông lệ tiên tiến của thế giới nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi.
Ngoài những ý kiến về những nội dung cụ thể quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị Luật Các tổ chức tín dụng cần phải quan tâm hơn nữa đến đến mô hình hợp tác xã tín dụng. Vì thực tế dù rất cần vốn để phát triển sản xuất, nhưng nông dân hầu như không được đáp ứng hoặc hạn chế do tín dụng của các ngân hàng thuơng mại rất khó đến với bà con.
Ngày mai (17/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội./.