Sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi): Không thể bỏ lãi suất cơ bản!

17/11/2009

(SGGPO).- Đó là quan điểm khá thống nhất được nhiều Đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp toàn thể sáng nay, 16-11, của Quốc hội về dự án luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi).

Các ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Trần Đình Long (Đắk Lắk), Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Hoàng Văn Minh (Nghệ An)… đều có chung câu hỏi: “Một khi bỏ quy định này thì quản lý lãi suất tín dụng giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động đi vay - cho vay (không phải là tổ chức tín dụng) bằng công cụ nào?”.

 

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đang phát biểu. Ảnh: Minh Điền

 

ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) hơn một lần nhắc lại rằng, ông đã có ý kiến về vấn đề này từ những kỳ họp của Quốc hội khóa 11 nhưng “chưa nhận được giải thích thỏa đáng”. ĐB còn đặt vấn đề: “Bộ Luật Dân sự có quy định về hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi, nếu bỏ quy định về lãi suất cơ bản thì căn cứ vào đâu để xác định tội danh này? Như vậy cần phải sửa đổi nội dung nêu trên trong Bộ Luật Dân sự”.

 

Ông Vượng cho rằng: “Sự lúng túng thể hiện trong nhiều nội dung của dự thảo luật - mà quy định về lãi suất cơ bản là một ví dụ - xuất phát từ việc Ban soạn thảo dường như chưa xác định rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước như một cơ quan quản lý trực thuộc Chính phủ hay như một ngân hàng trung ương”. Chính vì vậy, những quy định về chính sách tiền tệ (tại điều 5 của bản dự thảo) không nhận được sự đồng tình của ĐB Vượng và nhiều ĐB khác. “Cứ theo điều này thì Quốc hội chỉ quyết định “mức lạm phát định hướng từng thời kỳ”, như vậy phải chăng khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia chỉ có nghĩa là mức lạm phát?”, ĐB này hỏi. Nhiều nội dung khác về vai trò của Chủ tịch nước và Chính phủ trong việc quyết định chính sách tiền tệ quốc gia đã được bỏ đi so với Luật hiện hành cũng được ĐB Vượng cho là “không hợp lý”.

 

Trong khi ủng hộ xu hướng trao thêm quyền tự quyết và định rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cũng cho rằng, quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan khác thuộc Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính… chưa được thể hiện nhất quán trong dự thảo Luật. Bà Hương yêu cầu đưa vào luật cơ chế báo cáo, giải trình cụ thể của Ngân hàng Nhà nước đối với Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế…

 

Ngoài ra, bà Hương cho rằng, không nên cho phép Ngân hàng Nhà nước sử dụng vốn nhà nước để góp vốn pháp định thành lập doanh nghiệp, vì “như vậy rất khó bảo đảm sự công bằng, minh bạch, cũng như không phù hợp với thông lệ quốc tế”. 

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn)

Các bài viết khác