|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Phương Hữu Việt phát biểu ý kiến. (Ảnh TTXVN) |
(VOV) - Chiều nay (9/11), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Cũng như nhiều ý kiến phát biểu trong buổi sáng nay, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với việc xác định vị trí, vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong nền kinh tế nước ta. Trên thực tế, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã có đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, giải quyết một số vấn đề xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cần đánh giá sâu sắc hơn giữa lợi thế của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước do cơ chế, chính sách Nhà nước dành cho với hiệu quả, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém của các tổ chức này trong thời gian vừa qua.
Xử lý dứt điểm doanh nghiệp thua lỗ kéo dài
Đại biểu Phạm Văn Sướng (Long An) cho rằng cần đi sâu hơn vào các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan làm hạn chế, bất cập trong ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách quản lý vốn tài sản Nhà nước và nhất là tình hình quản lý, xử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Việc tổ chức thực hiện giám sát còn nhiều bất cập. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty đầu tư trái nghề, hiệu quả kinh tế thấp, để thua lỗ triền miên chậm xử lý khắc phục, sử dụng đất đai sai trái, kém hiệu quả. Quốc hội cần nhận trách nhiệm trong vấn đề thực hiện giám sát thực hiện việc này. Kết quả xử lý đối với các cá nhân vi phạm như thế nào cũng chưa được nêu rõ trong báo cáo. Báo cáo cũng nêu rõ thu nhập bình quân đầu người ở các Tập đoàn, Tổng công ty năm sau cao năm trước, nhưng chưa phân tích so sánh về thu nhập của những người quản lý ở các Tập đoàn, Tổng công ty và người lao động, đặc biệt là tại những đơn vị làm ăn thua lỗ kéo dài.
Đại biểu Phạm Văn Sướng cũng kiến nghị cần chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, xây dựng các quy định cụ thể đối với các Tập đoàn, Tổng công ty được phép đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính. Cần làm rõ, xử lý trách nhiệm và có chế tài mạnh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời cần có lộ trình, xác định mốc thời gian cụ thể để Chính phủ có thể hoàn thành việc xử lý dứt điểm các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Nhật (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, để các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phát huy vai trò của mình trong thời gian tới, cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn và Tổng công ty; có biện pháp xử lý các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Với các doanh nghiệp này, có thể giải thể hoặc bán. Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo nâng cao vai trò trách nhiệm, nhiệm vụ của các Tập đoàn, Tổng công ty chủ chốt để tạo điều kiện cho các họ phát triển.
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), sở dĩ có những tồn tại, bất cập tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là vì môi trường pháp lý của chúng ta có nhiều vấn đề chưa phù hợp, không đồng bộ, bất cập. Chúng ta chưa làm rõ vị trí của các Tập đoàn, Tổng công ty này về phần trách nhiệm xã hội, cũng như phần kinh doanh của họ…
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, các Tập đoàn, Tổng công ty, đặc biệt là các Tập đoàn, được thành lập rất nhanh nên có nhiều vấn đề không được chuẩn bị kỹ dẫn đến có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Một vấn đề nữa là việc phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm, quyền hạn của người lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty này cũng không rõ ràng và chưa phù hợp.
Cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật Nhà nước
Đại biểu Nguyễn Văn Thời (đoàn Thái Nguyên) kiến nghị khi thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế, cần phân ra hai loại doanh nghiệp: Loại thứ nhất là các doanh nghiệp thực hiện các chính sách an sinh xã hội và thứ hai doanh nghiệp kinh doanh thuần tuý. Các doanh nghiệp kinh doanh thuần tuý được hưởng rất nhiều ưu đãi của Nhà nước. Đại biểu đề xuất đối với các doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội, chúng ta có thể không thu lãi thông qua cổ tức hoặc thu ở mức thấp còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh thuần tuý cần thu lãi thông qua cổ tức để tạo được sự bình đẳng các thành phần kinh tế.
Đại biểu Mai Xuân Hùng (đoàn Hậu Giang) cho rằng, Chính phủ cần phân loại doanh nghiệp cần ưu tiên như: sản xuất công nghiệp, sản xuất đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng hạ tầng kinh tế, xây dựng hạ tầng giao thông, khai thác tài nguyên khoáng sản, bất động sản, các dịch vụ tài chính và ngân hàng để có chính sách cụ thể cho từng loại doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phương Hữu Việt (đoàn Bắc Ninh) kiến nghị Thường vụ Quốc hội, các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý Nhà nước cần phân loại, đánh giá các biểu mẫu của các Tập đoàn, Tổng công ty cho phù hợp với từng loại hình kinh doanh với các tiêu chí và hệ thống phương pháp thích hợp để có các chỉ tiêu thống nhất. Cũng về vấn đề này, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, quản lý vốn các Tập đoàn, Tổng công ty chưa đầy đủ, chưa phù hợp tình hình thực tiễn. Lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp chậm, nhưng nguyên nhân của vấn đề này chưa được làm rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Toàn (đoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Hải Phòng) đề nghị hoạt động giám sát không bó hẹp ở các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước mà cần mở rộng sang tất cả các doanh nghiệp Nhà nước, để có được sự đánh giá tổng hợp, đồng bộ về hoạt động kinh tế trong lĩnh vực này. Cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và nghiên cứu, giao cho một cơ quan quản lý các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động của các doanh nghiệp dân doanh và các thành phần kinh tế khác đang ngày càng phát triển.
Cũng trong buổi chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đồng thời là đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã phát biểu ý kiến có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Bộ.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, trong quá trình triển khai, sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta đã đạt được một số kết quả cũng như từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình chuyển đổi vừa phải tiếp tục sản xuất kinh doanh, vừa tiến hành chuyển đổi cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt trong năm 2008 và 2009 vừa phải chống lạm phát, vừa phải chống suy giảm kinh tế thì vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đã được thể hiện rõ, dưới sự điều hành của Chính phủ như: Tập đoàn Điện lực, Hàng không, Bưu chính Viễn thông… không được tăng giá; giá bán than của ngành Than cho 4 hộ (điện, xi măng, phân bón, giấy) vẫn dưới giá thành; Tổng công ty Lương thực mua gạo tạm trữ, giữ giá thành cho nông dân thì Nhà nước cũng phải bù lỗ… Trong thời kỳ khủng hoảng thì hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã cam kết với Chính phủ không sa thải công nhân.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, hiện Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có việc hoàn thiện mô hình Tập đoàn kinh tế và ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế; sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 về cổ phần hoá, các quy định liên quan đến chế độ đại diện chủ sở hữu, cơ chế tiền lương và chính sách bán cho nhà đầu tư chiến lược, cho người lao động…; xây dựng Nghị định về đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại doan nghiệp và tiến đến việc trình Quốc hội ban hành luật về đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước và doanh nghiệp.
Với một số Tập đoàn theo báo cáo là kinh doanh thua lỗ, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, đó là lỗ do tồn tại từ thời bao cấp để lại. Ví dụ như Tổng công ty xây dựng đường thuỷ. Lỗ của Tổng công ty là từ trước năm 2002 để lại, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính để xử lý vấn đề lỗ tại Tổng công ty này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cũng là người phát biểu tại Hội trường chiều nay. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, cần phải có một quan điểm lịch sử và trong xu thế phát triển chung để đánh giá các doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình này, doanh nghiệp Nhà nước đã có một bước tiến khá dài trong quá trình tự đổi mới. Về 6 kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc bày tỏ hoàn toàn nhất trí với những kiến nghị này.
Đối với các Tập đoàn kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, theo Nghị quyết Đại hội 10 xác định thành lập các Tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề, đa sở hữu. Do vậy, phải để cho các Tập đoàn làm nhiệm vụ đó. Các Tập đoàn của thế giới cũng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Theo Bộ trưởng, có kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực thì các Tập đoàn mới có điều kiện để phát triển, bổ sung cho lĩnh vực khác để phát triển trong từng giai đoạn. Kinh doanh đa ngành, đa nghề cũng tạo ra môi trường cạnh tranh.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đặt vấn đề, nếu chỉ để ngành Điện lực được kinh doanh về điện thì làm sao chúng ta có thị trường điện được, làm sao cạnh tranh được. Khi đó chúng ta sẽ biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp. Nếu lĩnh vực bưu chính viễn thông chỉ để VNPT kinh doanh mà không để ngành Điện lực kinh doanh thì làm sao tạo được một thị trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó dẫn đến việc giảm giá cước cho người tiêu dùng…
Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Qua ý kiến của 34 đại biểu, trong đó có 2 Bộ trưởng cho thấy các đại biểu nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu nhất trí đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đối với nền kinh tế, giải quyết một số vấn đè xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá khách quan một cách sâu sắc hơn giữa lợi thế của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước với kết quả, hiệu quả đạt được cũng như các hạn chế, tồn tại của các tổ chức này trong thời gian qua. Đánh giá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cần xem xét toàn diện giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Góp phần ổn định vĩ mô về kinh tế là rất quan trọng, nhưng xét về hiệu quả kinh tế ngoài chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, cần xem thêm chỉ tiêu lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư kinh doanh, trong tỷ trọng vốn nhà nước và vốn vay; trong quan hệ tỷ lệ nợ phải thu và nợ phải trả, hệ số an toàn vốn phải được phân biệt ở từng ngành, từng lĩnh vực. Phải có tiêu chí đồng bộ, rõ ràng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong đó có các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh, cần xác định rõ về mặt pháp lý và trên thực tế về chức năng hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trách nhiệm người trực tiếp đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo quản lý vốn, tài sản nhà nước có hiệu quả cao vừa đảm bảo tính năng động, tự chủ trong kinh doanh. Mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước và mô hình công ty mẹ - công ty con đang giai đoạn thí điểm, nên trong thời gian tới cần nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hơn để lựa chọn mô hình thích hợp với số lượng, lĩnh vực thành lập phù hợp yêu cầu thực tế và đạt hiệu quả cao. Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hoạt động đa ngành là cần thiết nhưng phải xác định ngành chính, nhiệm vụ chính. Việc mở rộng ngành nghề kinh doanh phải được nghiên cứu cho phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp thực lực, khả năng quản lý. Nhà nước định hướng với tư cách là một nhà đầu tư vốn nói riêng và nguồn lực nhà nước nói chung. Cần chấn chỉnh theo hướng này để Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị trong thời gian tới, cần xử lý dứt điểm một số Tập đoàn, Tổng công ty lỗ lớn, khéo dài, không khắc phục được. Nếu cần cho phá sản và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật. Chính phủ cũng cần nghiên cứu một đầu mối chủ trì quản lý, theo dõi, kiểm soát vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Phân cấp rõ ràng giữa các Bộ, ngành với nhau, giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương về cả quyền và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Cần có quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng trên thực tế các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng. Riêng với mô hình SCIC, cần có luật điều chỉnh để phù hợp với tính đặc thù của mô hình kinh tế này, để không trở thành một cấp trung gian.
Theo ý kiến các đại biểu, để Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả cần đổi mới nhiều khâu, nhiều lĩnh vực. Các đại biểu đặc biệt lưu ý vấn đề lựa chọn nhân sự lãnh đạo vì đây là đối tượng thay mặt nhà nước quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước. Tiếp tục rà soát, chỉ đạo kiên quyết đổi mới, sắp xếp cổ phần hoá công ty nhà nước. Quá trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cần chú ý đến các nhân tố cấu thành giá trị của doanh nghiệp và gắn với việc phát triển thị trường vốn trung và dài hạn, đảm bảo không để thất thoát vốn nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước phát triển mang tính ổn định, lâu dài.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết luận: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi và xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có ra Nghị quyết về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hay không. Trên cơ sở đó để xây dựng dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Ngày mai (10/11), buổi sáng Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình dự án Luật An toàn thực phẩm; Tờ trình dự án Luật Người khuyết tật và nghe báo cáo thẩm tra các dự án Luật trên.
Quốc hội cũng tiến hành thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.
Chiều mai, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi./.