Sáng nay (9/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trên 45% tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với tổng số vốn 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2008, 91 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã đóng góp gần 40% GDP; đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty đóng vai trò quan trọng trong ổn định, điều tiết thị trường trong nước, như Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Xét theo các chỉ tiêu cơ bản, đa số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua. Đến cuối năm 2008 đạt 485.644 tỷ đồng với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu tính chung trong 3 năm 2006-2008 ở mức khá cao 46,5%. Nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu chủ yếu từ lợi nhuận sau thuế và thặng dư vốn cổ phần.
Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ 523.169 tỷ đồng cuối năm 2006 lên đến 866.622 tỷ đồng cuối năm 2008 tăng 65,6%. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 60.804 tỷ đồng cuối năm 2006 lên đến 69.311 tỷ đồng cuối năm 2008 tăng 13,9%.
Lợi nhuận sau thuế của 8 tập đoàn kinh tế đến 31/12/2008 là 44.153 tỷ đồng, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty. Lợi nhuận sau thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt là 51.317 tỷ đồng, chiếm 74% tổng lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty.
Kết quả kinh doanh tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các tập đoàn, tổng công ty năm 2008 được phân nhóm như sau: 35/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên 15%; 15/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 10-15%; 20/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 5-10%; 18/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận dưới 5%; 3/91 đơn vị thua lỗ.
Như vậy, 25,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5% và 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%. Qua đó cho thấy một tỷ lệ không nhỏ (45,05%) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động hiệu quả thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%), ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.
|
Gần một nửa số tập đoàn, tổng công ty hoạt động không hiệu quả (ảnh: Internet) |
Còn bất cập trong giám sát việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty đã được ban hành, hình thành khuôn khổ pháp lý, giúp các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển của DNNN trong kinh tế thị trường và hội nhập; Chưa triệt để tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp. Mô hình và phương thức hoạt động tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty. Cơ chế giám sát và tổ chức thực hiện giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng vốn, tài sản nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập. Chậm xây dựng một hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để làm cơ sở cho giám sát, quản lý nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty.
Một số bất cập trong hoạt động cũng như quản lý vốn và tài sản của các Tập đoàn và Tổng công ty là tình trạng nợ đọng, thua lỗ. Một số Tập đoàn, Tổng công ty có số nợ lớn như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Tổng Công ty công trình giao thông 1, Tổng Công ty công trình giao thông 8... Tính đến cuối năm 2008, vẫn còn 23 đơn vị có lỗ luỹ kế 2.797 đồng. Một số Tổng công ty lỗ phát sinh ở đơn vị thành viên, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Một số hoạt động đặc biệt khó khăn, không khắc phục triệt để tình trạng lỗ luỹ kế từ các năm trước, tiếp tục để phát sinh lỗ, khả năng thanh toán hạn chế, vốn Nhà nước mất hết, nếu không có giải pháp sắp xếp, đổi mới triệt để thì phải làm thủ tục phá sản.
Đặc quyền giúp Tập đoàn, Tổng công ty trở nên độc quyền
Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; coi việc thực hiện chính sách là minh chứng cho mô hình quản lý kinh tế mới của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhận xét, trên thực tế, một số quy định đã tạo điều kiện cho Tập đoàn, Tổng công ty kinh doanh độc quyền, gây khó khăn cho người sử dụng. Đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, trong khi được hưởng nhiều lợi thế của Nhà nước về chính sách, được phép khai thác độc quyền nguồn tài nguyên của Nhà nước, được ưu đãi tạo điều kiện tối đa về vốn, tuy nhiên những đặc quyền đặc lợi của Nhà nước dành cho Tập đoàn, Tổng công ty đã dẫn tới tình trạng độc quyền trong nhiều lĩnh vực, trong đó có xăng dầu… Số vốn thực của những Tập đoàn, Tổng công ty này rất ít, chủ yếu là vốn vay ngân hàng trong khi họ lại đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro, gây thua lỗ. Do vậy không thể biết chính xác hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty này ra sao. Đại biểu kiến nghị để các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động hiệu quả, Chính phủ cần ban hành Nghị định về quản lý vốn nhà nước và việc đầu tư tại lĩnh vực kinh tế này. Còn các doanh nghiệp, mỗi đơn vị cần đầu tư vào một lĩnh vực chuyên sâu, trước khi mở rộng sang ngành nghề khác và nếu mở rộng thêm hoạt động thì dứt khoát, lĩnh vực đó phải liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu.
Về các khoản nợ xấu tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội), Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) đề nghị báo cáo giám sát không nên chú trọng vào con số nợ đó nhiều hay ít, mà cần quan tâm đến việc trả nợ vốn như thế nào.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này./.